08:32 - 18/12/2024

Xử phạt đến 15 triệu đồng khi người sử dụng lao động từ chối thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể?

Hơn nửa năm nay, công ty giao việc nhiều hơn và khó hơn cho chúng tôi nhưng lại không có tăng lương hoặc phụ cấp. Chúng tôi muốn tổ chức một buổi thương lượng tập thể với công ty và đã có yêu cầu gửi đi nhưng công ty lại từ chối. Cho tôi hỏi là hành vi này công ty sẽ bị xử phạt như thế nào?

Nội dung chính

    Những chủ thể nào sẽ tham gia thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể?

    Căn cứ Điều 65 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

    “Điều 65. Thương lượng tập thể
    Thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.”

    Theo đó, các bên tham gia thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể sẽ gồm một hoặc nhiều tổ chức đại diện cho người lao động và một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động.

    Từ chối thương lượng tập thể khi nhận được yêu cầu thương lượng thì người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt như thế nào?

    Xử phạt đến 15 triệu đồng khi người sử dụng lao động từ chối thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể? (Nguồn hình: Internet)

    Khi nào thì có quyền yêu cầu tổ chức thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể?

    Căn cứ vào Điều 68 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

    “Điều 68. Quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp
    1. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu thương lượng tập thể khi đạt tỷ lệ thành viên tối thiểu trên tổng số người lao động trong doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
    2. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này thì tổ chức có quyền yêu cầu thương lượng là tổ chức có số thành viên nhiều nhất trong doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khác có thể tham gia thương lượng tập thể khi được tổ chức đại diện người lao động có quyền yêu cầu thương lượng tập thể đồng ý.
    3. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà không có tổ chức nào đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này thì các tổ chức có quyền tự nguyện kết hợp với nhau để yêu cầu thương lượng tập thể nhưng tổng số thành viên của các tổ chức này phải đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều này.
    4. Chính phủ quy định việc giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền thương lượng tập thể.”

    Như vậy, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu thương lượng tập thể khi số thành viên tối thiểu trên tổng số lao động trong doanh nghiệp đạt tỷ lệ theo quy định trên.

    Người sử dụng lao động có được quyền từ chối yêu cầu thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể không?

    Căn cứ vào Điều 16 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

    “Điều 16. Vi phạm quy định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể
    1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
    a) Không gửi thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính theo quy định;
    b) Không trả chi phí cho việc thương lượng; ký kết; sửa đổi, bổ sung; gửi; công bố thỏa ước lao động tập thể;
    c) Cung cấp thông tin không đúng thời hạn theo quy định hoặc cung cấp thông tin sai lệch về: tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh; nội dung khác liên quan trực tiếp đến nội dung thương lượng theo quy định khi đại diện người lao động yêu cầu để tiến hành thương lượng tập thể;
    d) Không công bố thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết cho người lao động biết.
    2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
    a) Không cung cấp thông tin về: tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh; nội dung khác liên quan trực tiếp đến nội dung thương lượng theo quy định khi đại diện người lao động yêu cầu để tiến hành thương lượng tập thể;
    b) Không bố trí thời gian, địa điểm hoặc các điều kiện cần thiết để tổ chức các phiên họp thương lượng tập thể.
    3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau:
    a) Từ chối thương lượng tập thể khi nhận được yêu cầu của bên yêu cầu thương lượng;
    b) Thực hiện nội dung thỏa ước lao động tập thể đã bị tuyên bố vô hiệu;
    c) Gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động thảo luận, lấy ý kiến người lao động.”

    Theo đó, người sử dụng lao động có hành vi từ chối thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể khi nhận được yêu cầu của bên yêu cầu thương lượng thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Do hành vi trên là hành vi vi phạm hành chính nên người sử dụng lao động không có quyền từ chối yêu cầu thương lượng tập thể.

    Ngoài ra, việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể bị xử phạt theo quy định như trên.

    Lưu ý: Mức xử phạt hành chính áp dụng đối với các quy định trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm hành chính. Trường hợp tổ chức vi phạm hành chính thì mức áp dụng xử phạt hành chính sẽ là gấp đôi so với cá nhân vi phạm.

    130
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ