Xử lý khi vay tiền qua App tín dụng bị bêu xấu trên mạng được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Xử lý khi vay tiền qua App tín dụng bị bêu xấu trên mạng được quy định như thế nào?
Thứ nhất, về nghĩa vụ trả nợ của bên vay
Theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 thì:
"Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Việc vay tiền từ các tổ chức tín dụng được điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng và Bộ luật Dân sự. Theo đó, nếu một trong các bên không trả nợ đúng hạn thì bên bị ảnh hưởng có quyền khởi kiện ra tòa án để đòi nợ.
Trường hợp bạn chưa có tiền vay khi đến hạn không phải là tội phạm.
Thứ hai, về hành vi bêu xấu hình ảnh của người vay nợ trên mạng xã hội
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì:
"1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác."
Điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Trong trường hợp này, bạn có ba cách để giải quyết:
- Thứ nhất là có yêu cầu trực tiếp đến cá nhân hoặc tổ chức sử dụng hình ảnh của mình buộc gỡ bỏ những hình ảnh xuống;
- Thứ hai là gửi đơn đến cơ quan Sở TT&TT nơi cá nhân, tổ chức đó cư trú hoặc có trụ sở yêu cầu giải quyết;
- Thứ ba là gửi đơn yêu cầu tòa án giải quyết.
Trân trọng!