17:17 - 26/11/2024

Xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào?

Xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào? Ai có nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ?

Nội dung chính

    Xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về xem xét, thẩm định tại chỗ như sau:

    - Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó.

    - Việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải được ghi thành biên bản. Biên bản phải ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường, có chữ ký của người xem xét, thẩm định và chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt, của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định. Sau khi lập xong biên bản, người xem xét, thẩm định phải yêu cầu đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận.

    - Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ.

    - Thẩm phán có quyền đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định tại chỗ hỗ trợ trong trường hợp có hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ.

    Xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào?

    Xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào? (Hình từ internet)

    Ai có nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ?

    Căn cứ Điều 157 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về người có nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ như sau:

    Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ được xác định như sau:

    - Đương sự phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.

    - Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.

    - Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

    - Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì nguyên đơn phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

    Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 289, khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

    - Đối với các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật này thì người yêu cầu xem xét, thẩm định phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

    Trình tự, thủ tục thành lập Hội đồng định giá, định giá tài sản được quy định như thế nào?

    Căn cứ khoản 4 Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về trình tự, thủ tục thành lập Hội đồng định giá, định giá tài sản như sau:

    - Hội đồng định giá do Tòa án thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan. Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó, người quy định tại Điều 52 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không được tham gia Hội đồng định giá.

    Hội đồng định giá chỉ tiến hành định giá khi có mặt đầy đủ các thành viên của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá. Các đương sự được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá, có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá. Quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá thuộc Hội đồng định giá;

    - Cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia Hội đồng định giá và tạo điều kiện để họ làm nhiệm vụ. Người được cử làm thành viên Hội đồng định giá có trách nhiệm tham gia đầy đủ vào việc định giá. Trường hợp cơ quan tài chính, các cơ quan chuyên môn không cử người tham gia Hội đồng định giá thì Tòa án yêu cầu cơ quan quản lý có thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn thực hiện yêu cầu của Tòa án. Người được cử tham gia Hội đồng định giá không tham gia mà không có lý do chính đáng thì Tòa án yêu cầu lãnh đạo cơ quan đã cử người tham gia Hội đồng định giá xem xét trách nhiệm, cử người khác thay thế và thông báo cho Tòa án biết để tiếp tục tiến hành định giá;

    - Việc định giá phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, đương sự nếu họ tham dự. Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản.

    10