09:40 - 30/09/2024

Xây nhà cao tầng phải cách đường dây điện bao nhiêu mét?

Vợ chồng tôi có mua một miếng đất dưới quê, tính xây dựng nhà ở thì bên cán bộ phường có nói là vì gần đường dây dẫn điện trên không nên khi xây nhà phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật để an toàn cho người thường xuyên sinh sống trong nhà. Nhưng tôi vẫn chưa rõ những điều kiện đó là gì?

Nội dung chính

    Căn cứ pháp lý:

    Luật Điện lực 2004;

    Nghị định 14/2014/NĐ-CP;

    Thông tư 31/2014/TT-BCT.

    Nội dung trả lời:

    Theo quy định tại Khoản 3 Điều 51 Luật Điện lực 2004 thì:

    Không cho phép tồn tại nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 500 kV trở lên, trừ những công trình chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện đó.

    Do đó, trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 500 kV trở lên sẽ không được phép xây dựng nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc.

    Trường hợp xây dựng nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định 14/2014/NĐ-CP, cụ thể:

    - Mái lợp và tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy.

    - Không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận công trình lưới điện cao áp.

    - Khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn quy định trong bảng sau:

    Điện áp

    Đến 35 kV

    110 kV

    220 kV

    Khoảng cách

    3,0 m

    4,0 m

    6,0 m


    - Cường độ điện trường nhỏ hơn 5 kV/m tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách mặt đất một (01) mét và nhỏ hơn hoặc bằng 1 kV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà cách mặt đất một (01) mét.

    - Đối với nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp 220 kV, ngoài đáp ứng các điều kiện trên, các kết cấu kim loại của nhà ở, công trình còn phải được nối đất theo quy định về kỹ thuật nối đất tại Điều 12 Thông tư 31/2014/TT-BCT. Cụ thể:

    + Cọc tiếp đất được làm bằng thép tròn đường kính không nhỏ hơn 16 mm hoặc thép vuông có tiết diện tương đương hoặc thép góc có kích thước không nhỏ hơn (40x40x4)mm; chiều dài phần chôn trong đất ít nhất 0,8 m (theo phương thẳng đứng), một đầu cọc nhô lên khỏi mặt đất (không cao quá 0,15 m); nơi đặt cọc tiếp đất không được gây trở ngại cho người sử dụng nhà ở, công trình. Không được sơn phủ các vật liệu cách điện lên bề mặt cọc tiếp đất. Tại những nơi dễ bị ăn mòn, các cọc tiếp đất phải được mạ đồng hoặc mạ kẽm.

    + Dây nối đất có thể được làm bằng thép tròn đường kính không nhỏ hơn 6 mm hoặc thép dẹt kích thước không nhỏ hơn (24x4)mm hoặc dây đồng mềm nhiều sợi tiết diện không nhỏ hơn 16 mm2; nếu dây nối đất làm bằng thép thì phải được mạ kẽm hoặc sơn chống gỉ.

    + Dây nối đất được bắt chặt với phần nổi trên mặt đất của cọc tiếp đất và kết cấu kim loại cần nối đất bằng bu lông hoặc hàn.

    + Trường hợp nhà ở, công trình đã có nối đất đang được sử dụng thì không cần phải làm thêm cọc tiếp đất mà chỉ cần bắt chặt dây nối đất vào nối đất đó bằng bu lông hoặc hàn.

    Ban biên tập thông tin đến Anh/Chị!

    Trân trọng!

    633
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ