Thứ 2, Ngày 28/10/2024
11:10 - 30/09/2024

Xác lập giao dịch giữa hai công ty nhưng cùng một chủ sở hữu được không?

Xác lập giao dịch giữa hai công ty nhưng cùng một chủ sở hữu được không?

Nội dung chính

    Xác lập giao dịch giữa hai công ty nhưng cùng một chủ sở hữu được không?

    Khoản 3 Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:

    “Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

    Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, tại Khoản 1 Điều 86 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định như sau:

    “1. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, hợp đồng, giao dịch giữa công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu với những người sau đây phải được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên xem xét quyết định:

    a) Chủ sở hữu công ty và người có liên quan của chủ sở hữu công ty;

    b) Thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;

    c) Người có liên quan của những người quy định tại điểm b khoản này;

    d) Người quản lý của chủ sở hữu công ty, người có thẩm quyền bổ nhiệm những người quản lý đó;

    đ) Người có liên quan của những người quy định tại điểm d khoản này.

    Người ký kết hợp đồng phải thông báo cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thời kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch đó”.

    Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, tại Điều 67 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định như sau:

    “Người ký kết hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho các thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch dự định tiến hành. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác thì Hội đồng thành viên phải quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo; trong trường hợp này, hợp đồng, giao dịch được chấp thuận nếu có sự tán thành của số thành viên đại diện ít nhất 65% tổng số vốn có quyền biểu quyết. Thành viên có liên quan trong các hợp đồng, giao dịch không được tính vào việc biểu quyết”.

    Như vậy, nếu như căn cứ vào quy định của Bộ luật dân sự cũng như quy định của Luật doanh nghiệp thì trường hợp của bạn vẫn thực hiện được hợp đồng vay này cho dù cùng một Giám đốc đại diện cho 2 công ty.

    Tại Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-BTC quy định về hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng như sau:

    Hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng

    1. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (là các doanh nghiệp không thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng) khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau sử dụng các hình thức thanh toán được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.

    2. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng khi thực hiện giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau bằng tài sản (không phải bằng tiền), đối trừ công nợ, chuyển giao nghĩa vụ nợ thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

    Khoản 2 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC quy định như sau:

    Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:

    a) Thanh toán bằng Séc;

    b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

    c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

    Trường hợp vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng thì không được dùng tiền mặt mà phải thực hiện bằng các hình thức sau:

    + Thanh toán bằng Séc;

    + Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

    + Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.