14:20 - 11/11/2024

Ủy thác tư pháp trong trường hợp chia thừa kế có người nước ngoài

Trong một vụ án chia thừa kế, có một đồng thừa kế ở nước ngoài. Tòa án đã thực hiện việc ủy thác tư pháp nhiều lần nhưng không có kết quả trả lời. Thời hạn giải quyết vụ án đã quá, thậm chí vụ án bị kéo dài. Tòa án có thể đưa vụ án ra xét xử và tạm giao kỷ phần thừa kế của người đang ở nước ngoài cho người đang quản lý di sản thừa kế quản lý hay vẫn phải chờ kết quả ủy thác tư pháp?

Nội dung chính

    Ủy thác tư pháp trong trường hợp chia thừa kế có người nước ngoài

    Điểm 4 Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 quy định về ủy thác tư pháp trong trường hợp việc thu thập chứng cứ phải tiến hành ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tòa án đã thực hiện việc ủy thác tư pháp thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan tiến hành tố tụng dân sự của nước ngoài có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hoặc cùng Việt Nam gia nhập điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này (cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài là Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán; cơ quan tiến hành tố tụng dân sự ở nước ngoài là Tòa án nước đó). Tuy nhiên, đã nhiều lần ủy thác tư pháp nhưng Tòa án không nhận được kết quả. Đây là vấn đề thường gặp ở các Tòa án, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân làm cho vụ án bị kéo dài, quá thời hạn giải quyết.

    Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về ủy thác cả trong nước và ngoài nước. Trong khoản 3 Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự quy định trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác tư pháp, Tòa án nhận ủy thác phải thực hiện việc ủy thác và thông báo cho Tòa án ra quyết định ủy thác; trường hợp không thực hiện được việc ủy thác cũng phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không thực hiện được cho Tòa án đã ra quyết định ủy thác biết.

    Tuy nhiên, khoản 4 Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự không có quy định này nên việc ủy thác của Tòa án thường bị “rơi vào im lặng”. Cũng theo quy định của Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự thì không có quy định nếu không thực hiện được ủy thác tư pháp thì Tòa án đã ra quyết định uỷ thác phải giải quyết vụ án thế nào. Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này và đây thực sự là một vướng mắc. Trong thực tiễn xét xử, khi gặp những trường hợp này, Tòa án không được đưa vụ án ra xét xử và tạm giao kỷ phần của người ở nước ngoài cho người đang quản lý tài sản (di sản thừa kế) mà vẫn phải chờ kết quả ủy thác. Một số Tòa án vận dụng việc nhờ người thân của đương sự, nhờ Đại sứ quán, Lãnh sự quán hay các kênh thông tin khác để có thể thu thập chứng cứ đối với người ở nước ngoài để có căn cứ giải quyết vụ án. Nếu hết thời hạn giải quyết mà chưa có kết quả ủy thác thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ theo điểm 5 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự.

    5