Trách nhiệm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức và hoạt động của Toà án Nhân dân được quy định ra sao?
Nội dung chính
Trách nhiệm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức và hoạt động của Toà án Nhân dân được quy định ra sao?
Trách nhiệm của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đối với tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân quy định tại Điều 22 Nghị quyết 26/2004/NQ-QH11 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Quốc hội ban hành, cụ thể như sau:
- Xem xét việc chuẩn bị báo cáo và dự án của Toà án nhân dân tối cao trình Quốc hội; xem xét báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao trong thời gian Quốc hội không họp; xem xét báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao về các vấn đề thuộc thẩm quyền giám sát của mình;
- Xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; quyết định huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Toà án nhân dân tối cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Toà án nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất;
- Quy định về tổ chức và hoạt động của Toà án quân sự; quyết định thành lập các Toà chuyên trách của Toà án nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp cần thiết, quyết định cử uỷ viên Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao;
- Quy định về tiêu chuẩn cụ thể của Thẩm phán, Hội thẩm của Toà án mỗi cấp, thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán, bầu hoặc cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm, quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán, Hội thẩm; quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán, quan hệ giữa Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; quy định việc quản lý Hội thẩm nhân dân và Hội thẩm quân nhân;
- Ban hành quy chế phối hợp giữa Toà án nhân dân tối cao và Hội đồng nhân dân địa phương, giữa Toà án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự về tổ chức;
- Quyết định tổng biên chế, số lượng Thẩm phán, danh sách ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán của Toà án nhân dân tối cao, tổng biên chế, số lượng Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân của các Toà án nhân dân địa phương; phê chuẩn bộ máy giúp việc của Toà án nhân dân tối cao và các Toà án nhân dân địa phương theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao;
- Quyết định tổng biên chế, số lượng Thẩm phán của Toà án quân sự trung ương, tổng biên chế, số lượng Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân của các Toà án quân sự quân khu và tương đương, các Toà án quân sự khu vực; phê chuẩn bộ máy giúp việc của các Tòa án quân sự theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; quyết định danh sách ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
- Căn cứ vào chế độ tiền lương chung của Nhà nước, quy định chế độ tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức ngành Toà án; quy định chế độ ưu tiên đối với Thẩm phán; quy định giấy chứng minh, trang phục của cán bộ, công chức ngành Toà án;
- Quyết định việc đàm phán, ký kết điều ước quốc tế của Tòa án nhân dân tối cao sau khi có ý kiến của Chính phủ và nghe báo cáo về việc thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết.