14:33 - 27/09/2024

Trách nhiệm của người lái tàu trong các vụ tai nạn đường sắt như thế nào?

Sáng sớm ngày 24.10 vừa qua, trên quốc lộ 1A cũ, đoạn qua thôn Văn Giáp, xã Vân Đình, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội đã xảy ra một vụ va chạm kinh hoàng giữa tàu hỏa đang di chuyển hướng Hà Nam – Hà Nội và một ô tô 5 chỗ màu trắng mang BKS 30A-602.25. Vụ va chạm đã khiến 6 người chết. Câu hỏi đặt ra, trách nhiệm của người lái tàu trong các vụ tai nạn đường sắt như thế nào?

Nội dung chính

    Thông tư 62/2015/TT-BGTVT quy định về đường ngang: 

    1. Quản lý, phòng vệ đường ngang

    - Phân loại đường ngang theo hình thức tổ chức phòng vệ có hai loại: 

    + đường ngang có người gác

    + đường ngang không có người gác, gồm: đường ngang cảnh báo tự động và đường ngang biển báo

    - Đối với phương tiện, thiết bị và người gác đường ngang:

    + Đường ngang phải được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị theo quy định.

    + Đối với đường ngang có người gác phải bố trí người gác thường trực liên tục suốt ngày đêm theo chế độ ban, kíp.

    2.  Trách nhiệm của lái tàu:

    - Theo quy định của Điều 34 Thông tư 62/2015/TT-BGTVT, quy tắc giao thông đường bộ trong phạm vi đường ngang được quy định: 

    1. Phải ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt.

    2. Phải chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác đường ngang và chỉ dẫn của các báo hiệu trong phạm vi đường ngang.

    3. Khi có báo hiệu dừng (đèn đỏ sáng nháy, cờ đỏ, biển đỏ, còi, chuông kêu, chắn đã đóng, hiệu lệnh của nhân viên gác chắn), người tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và trước vạch “dừng xe”.

    4. Nghiêm cấm người không có nhiệm vụ tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng.

     5. Đối với đường ngang biển báo, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại trước vạch dừng, lắng nghe còi tàu, chú ý quan sát tàu đến từ xa ở 2 phía, chỉ được đi qua đường ngang khi xét thấy an toàn và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn.

    - Quy tắc đối với người điều khiển tàu qua đường ngang: 

    Khi sắp đến đường ngang, người điều khiển tàu phải kéo còi, chú ý tín hiệu ngăn đường, tín hiệu cảnh báo đường ngang (nếu có), chú ý quan sát đường ngang để nhanh chóng hãm tàu khi thấy có tín hiệu dừng tàu hoặc có trở ngại trên đường ngang.

    Luật đường sắt 2005 quy định:

    Điều 11  về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt: 

    1. Khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, lái tàu hoặc nhân viên đường sắt khác trên tàu phải thực hiện các thao tác dừng tàu khẩn cấp. Trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức nhân viên đường sắt trên tàu và những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn cứu giúp người bị nạn, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của người bị nạn, đồng thời phải báo ngay cho tổ chức điều hành giao thông đường sắt, cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất ...

    Điều 48. Trưởng tàu

    1. Trưởng tàu là ngư­ời chỉ huy cao nhất trên tàu, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phục vụ khách hàng, bảo đảm tàu chạy theo đúng lịch trình và mệnh lệnh của điều độ chạy tàu, quy trình, quy phạm chạy tàu; giải quyết tai nạn giao thông đường sắt theo quy định tại Điều 11 của Luật này.

    Điều 49. Lái tàu, phụ lái tàu

     1. Lái tàu là người trực tiếp điều khiển tàu; chịu trách nhiệm vận hành đầu máy an toàn, đúng tốc độ quy định, đúng lịch trình theo biểu đồ chạy tàu, mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy trình, quy phạm; có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Luật này khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

     Luật sư Thúy Kiều phân tích: Đường sắt là đường ưu tiên, nhưng các cá nhân, tổ chức tham gia vận hành giao thông đường sắt đều phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn. 

     Nếu người lái tàu tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về điều khiển tàu và các trách nhiệm liên quan thì khi xảy ra sự cố, xảy ra tai nạn đường sắt, người lái tàu không phải chịu trách nhiệm. 

    Trong quá khứ cũng đã có một số vụ tai nạn giao thông đường sắt mà lỗi trực tiếp do lái tàu gây ra, lái tàu và phụ tàu đã phải chịu trách nhiệm hình sự và nhận các mức án tù giam, điển hình như vụ lật tàu E1 tại Lăng Cô - Huế năm 2005 do tàu chạy với tốc độ quá cao so với quy định, lái tàu và phụ tàu đã phải chịu án phạt lần lượt là 13 năm tù và 7 năm tù về tội vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường sắt.

    29