16:55 - 02/10/2024

Tổ chức đảng kiểm tra việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên theo những nguyên tắc nào?

Tổ chức đảng kiểm tra việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên theo những nguyên tắc nào? Văn bản nào quy định vấn đề này?

Nội dung chính

    Tổ chức đảng kiểm tra việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên theo những nguyên tắc nào?

    Theo quy định tại Điều 3 Hướng dẫn 05-HD/UBKTTW năm 2012 công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ đảng viên do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành thì nội dung này được quy định như sau:

    - Tuân thủ Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; bảo đảm nguyên tắc, phương pháp công tác đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng.

    + Việc kiểm tra cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức phải căn cứ vào Điều lệ Đảng, Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng và Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI (Ban hành kèm theo Quyết định số 46-QĐ/TW, ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương) và Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 10-01-2012 của Ban Bí thư về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên.

    + Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng, chi bộ phải căn cứ vào nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng, của cấp trên và của cấp mình, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay ” và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên để chọn nội dung, đối tượng kiểm tra cho phù hợp.

    - Tổ chức đảng được quyền kiểm tra cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý; cán bộ, đảng viên phải tự kiểm tra và báo cáo tổ chức đảng có thẩm quyền khi được yêu cầu.

    + Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, tổ chức đảng, chi bộ phân công cấp ủy viên, thành viên của tổ chức đảng chỉ đạo, tổ chức kiểm tra cán bộ, đảng viên thuộc lĩnh vực, phạm vi được phân công phụ trách.

    + Yêu cầu cán bộ, đảng viên đề ra nội dung, hình thức, biện pháp tu dưỡng, rèn luyện đạo đức đối với bản thân và theo dõi, đôn đốc cán bộ, đảng viên thực hiện tự kiểm tra.

    + Cán bộ, đảng viên phải bám sát chỉ đạo của tổ chức đảng và căn cứ tình hình thực tế để đề ra nội dung, hình thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức sát hợp và xác định hình thức, biện pháp tự kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra với chi bộ, tổ chức đảng quản lý mình.

    - Kiểm tra của tổ chức đảng phải gắn với việc tự kiểm tra, tự phê bình của cán bộ, đảng viên được kiểm tra.

    + Cán bộ, đảng viên căn cứ chức trách, nhiệm vụ được giao và tiêu chuẩn về đạo đức theo quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình để chuẩn bị báo cáo tự kiểm tra, nêu cao ý thức tự kiểm tra, tự phê bình, nhìn thẳng vào sự thật, tự nhận thấy và dũng cảm nhận sai lầm, khuyết điểm, vi phạm, thật sự cầu thị tiếp thu góp ý, phê bình của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên đối với mình.

    + Tổ chức đảng phải chủ động chọn nội dung, đối tượng, có kế hoạch, phương pháp kiểm tra sát hợp; kết hợp chặt chẽ giữa nêu cao ý thức tự giác tự kiểm tra, tự phê bình của cán bộ, đảng viên với công tác thẩm tra, xác minh để làm rõ, kết luận chính xác nội dung kiểm tra (khi cần thiết).

    - Kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên phải gắn với công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ và việc nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ.

    Kiểm tra cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức phải có hình thức, phương pháp kiểm tra khách quan, thận trọng, chặt chẽ, phù hợp. Làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ khi tham gia góp ý, phê bình đối với cán bộ, đảng viên được kiểm tra không được gây tâm lý nặng nề, căng thẳng.

    2