12:58 - 06/01/2025

Tín hiệu đèn giao thông chuyển đỏ khi chưa kịp thoát khỏi giao lộ có bị xử phạt?

Tín hiệu đèn giao thông chuyển đỏ khi chưa kịp thoát khỏi giao lộ có bị xử phạt. Người điều khiển xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông bị phạt bao nhiêu tiền?

Nội dung chính

    Mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông của xe gắn máy bị phạt bao nhiêu tiền?

    Căn cứ điểm c khoản 7 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định:

    Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
    ...
    7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
    a) Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định; điều khiển xe đi trên vỉa hè, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan;
    b) Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc;
    c) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
    d) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
    đ) Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
    ...

    Căn cứ quy định này, người điều khiển xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

    Tín hiệu đèn giao thông chuyển đỏ khi chưa kịp thoát khỏi giao lộ có bị xử phạt?

    Tín hiệu đèn giao thông chuyển đỏ khi chưa kịp thoát khỏi giao lộ có bị xử phạt? (Hình từ Internet)

    Tín hiệu đèn giao thông chuyển đỏ khi chưa kịp thoát khỏi giao lộ có bị xử phạt? 

    Tại khoản 4 Điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông 2024 quy định về chấp hành báo hiệu đường bộ như sau:

    Chấp hành báo hiệu đường bộ
    ...
    4. Tín hiệu đèn giao thông có 03 màu, gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian. Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành như sau:
    a) Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;
    b) Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác;
    c) Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.
    ...

    Có thể thấy, thời điểm qua vạch dừng là lúc đèn còn xanh, việc chưa kịp thoát khỏi giao lộ không được coi là hành vi cố tình vượt đèn đỏ.

    Như vậy, khi người điều khiển phương tiện đã vượt qua vạch dừng lúc đèn xanh, nhưng chưa kịp đi hết giao lộ thì đèn chuyển sang màu đỏ, trường hợp này: Không bị coi là vi phạm luật giao thông; không bị xử phạt về lỗi vượt đèn đỏ (kể cả phạt nguội).

    Đồng thời, căn cứ theo khoản 2 Điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông 2024, quy định về người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:

    - Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;

    - Tín hiệu đèn giao thông;

    - Biển báo hiệu đường bộ;

    - Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường;

    - Cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H;

    - Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.

    Theo đó, nếu trong trường hợp đèn tín hiệu giao thông vẫn hiển thị màu xanh nhưng tại giao lộ đang xảy ra ùn tắc, nếu có sự hiện diện của người điều khiển giao thông và người này ra hiệu lệnh yêu cầu các phương tiện đang di chuyển theo hướng đèn xanh phải dừng lại, người tham gia giao thông buộc phải tuân thủ hiệu lệnh này.

    Nếu người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh, cố tình tiếp tục di chuyển vào giao lộ (dù đèn vẫn xanh), dẫn đến cản trở giao thông, hành vi này có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật. Điều này nhằm đảm bảo trật tự và an toàn giao thông trong các tình huống đặc biệt, đồng thời giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các giao lộ đông đúc.

    Người điều khiển xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông có bị trừ điểm giấy phép lái xe không?

    Căn cứ điểm b khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP có quy định về trường hợp trừ điểm đối với xe máy như sau:

    Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
    13. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe như sau:
    a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 3; khoản 5; điểm b, điểm c, điểm d khoản 6; điểm a khoản 7 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 02 điểm;
    b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 4; điểm a khoản 6; điểm c, điểm d, điểm đ khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm;
    c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 7, điểm c khoản 9 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 06 điểm;
    d) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 8, khoản 10 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm.

    Theo quy định trên thì hành vi người điều khiển xe máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông thì bị trừ điểm giấy phép lái xe là 4 điểm.

    48