Thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu tối đa là bao nhiêu ngày? Có các hình thức lựa chọn nhà thầu nào?
Nội dung chính
Thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu tối đa là bao nhiêu ngày?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 45 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:
Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu
1. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu được quy định như sau:
a) Thời gian chuẩn bị hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển tối thiểu là 09 ngày đối với đấu thầu trong nước, 18 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu;
b) Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế tối thiểu là 18 ngày đối với đấu thầu trong nước, 35 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời thầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu; đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng thì thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 09 ngày đối với đấu thầu trong nước, 18 ngày đối với đấu thầu quốc tế;
c) Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu đối với chào hàng cạnh tranh tối thiểu là 05 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời thầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu;
...
Căn cứ theo khoản 6 Điều 16 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Giá gói thầu và thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu
...
6. Căn cứ quy mô, tính chất, tiến độ của dự án, gói thầu, người có thẩm quyền quyết định thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với mỗi gói thầu là số ngày tính từ ngày phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, bao gồm cả thời gian thẩm định. Trường hợp gói thầu có áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn thì thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu tính từ ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu. Trường hợp cần thiết, có thể ghi rõ thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thời gian thẩm định.
Căn cứ theo khoản 24 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
...
24. Người có thẩm quyền là người quyết định đầu tư hoặc người quyết định việc mua sắm theo quy định của pháp luật. Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư, người có thẩm quyền là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
...
Trước đây, theo điểm g khoản 1 Điều 12 Luật Đấu thầu 2013 thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu được quy định cụ thể như sau:
- Tối đa là 45 ngày đối với đấu thầu trong nước, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
- Tối đa là 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Trong trường hợp cần thiết, có thể kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu nhưng không quá 20 ngày và phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.
Tuy nhiên, theo Luật đấu thầu mới thì thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu không có ấn định thời gian cụ thể.
Trong trường hợp xét thấy cần thiết thì người có thẩm quyền có thể là người quyết định đầu tư hoặc người quyết định việc mua sắm theo quy định sẽ quyết định và ghi rõ về thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu.
Lưu ý: Luật đấu thầu mới hiện nay đang được áp dụng là Luật Đấu thầu 2023.
Thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu tối đa là bao nhiêu ngày? Có các hình thức lựa chọn nhà thầu nào? (Hình từ Internet)
Bên mời thầu là các cơ quan nào?
Căn cứ Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bên mời thầu là cơ quan, tổ chức thực hiện các hoạt động đấu thầu, bao gồm:
a) Chủ đầu tư hoặc tổ chức do chủ đầu tư quyết định thành lập hoặc lựa chọn;
b) Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
...
Như vậy, bên mời thầu là các cơ quan hoặc tổ chức thực hiện các hoạt động đấu thầu, bao gồm:
- Chủ đầu tư hoặc tổ chức do chủ đầu tư quyết định thành lập hoặc lựa chọn;
- Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư;
- Đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
Có các hình thức lựa chọn nhà thầu nào?
Căn cứ quy định Điều 20 Luật Đấu thầu 2023 quy định về các hình thức lựa chọn nhà thầu như sau:
- Đấu thầu rộng rãi;
- Đấu thầu hạn chế;
- Chỉ định thầu;
- Chào hàng cạnh tranh;
- Mua sắm trực tiếp;
- Tự thực hiện;
- Tham gia thực hiện của cộng đồng;
- Đàm phán giá;
- Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
Trân trọng!