Thứ 6, Ngày 25/10/2024
17:30 - 16/09/2024

Thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội thuộc về ai theo quy định pháp luật?

Thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội thuộc về ai theo quy định pháp luật? Ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế có thể bằng Tiếng Việt không?

Nội dung chính

    Người có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội? 

    Tại Điều 12 Luật Thỏa thuận quốc tế 2020 về thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, theo đó:

    Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước
    1. Chủ tịch Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội.
    2. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan mình.
    3. Tổng Thư ký Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế thuộc thẩm quyền của Tổng Thư ký Quốc hội.
    4. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Văn phòng Quốc hội.
    5. Người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
    6. Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Kiểm toán nhà nước.

    Như vậy, thì chỉ có Chủ tịch Quốc hội mới có quyền ra quyết định ký kết việc thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội.

    Người có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội? (Ảnh tử Internet)

    Ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế có thể bằng Tiếng Việt không?

    Căn cứ Điều 7 Luật Thỏa thuận quốc tế 2020 về ngôn ngữ thỏa thuận quốc tế như sau:

    Ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế
    Thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ có văn bản bằng tiếng nước ngoài thì bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm dịch thỏa thuận quốc tế đó ra tiếng Việt.

    Văn bản bằng tiếng Việt phải bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức với văn bản bằng tiếng nước ngoài của thỏa thuận quốc tế.

    Như vậy, ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế có thể bằng Tiếng Việt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ có văn bản bằng tiếng nước ngoài thì bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm dịch thỏa thuận quốc tế đó ra tiếng Việt.

    Trình tự ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ được thực hiện như thế nào?

    Căn cứ Điều 9 Luật Thỏa thuận quốc tế 2020 thì trình tự ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ được thực hiện như sau:

    - Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.

    - Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

    - Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ; kiến nghị Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước.

    - Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế. Trên cơ sở quyết định bằng văn bản của Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức việc ký kết thỏa thuận quốc tế.

    - Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ báo cáo Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết.