Quyền đòi nợ của chủ nợ khi doanh nghiệp phá sản. Kháng cáo quyết định của tòa án.
Nội dung chính
Quyền đòi nợ của chủ nợ khi doanh nghiệp phá sản. Kháng cáo quyết định của tòa án.
Mẹ em có cho bà A mượn khoảng hơn hai trăm triệu. Sau 1 thời gian bà A tuyên bố phá sản. Mẹ em cùng những người khác đưa đơn kiện. Tòa án cũng đã đưa ra quyết định là bà A sẽ trả cho mẹ em số tiền đó. Nhưng bên thi hành án lại nói mẹ em không có phần trong đấu giá tài sản của bà A vì mẹ em đưa đơn kiện sau ngày liệt kê danh sách, bà A lại nợ quá nhiều. Vậy cho em hỏi đã đưa ra quyết định mà sao mẹ em vẫn không được nhận tiền, bên thi hành án làm vậy là đúng hay sai?
Vấn đề thứ 2 : Bà A trước khi phá sản có nhờ mẹ em bán dùm 10.000 cà phê non cho ông B. Mẹ em gọi điện thoại nói với ông B, và ông B đồng ý. Sau mấy ngày bà A ra lấy tiền ở ông B (bà A chưa giao cà phê ) nhưng ông B chưa có tiền và nói bán lại cho bà A mấy tấn cà phê, còn bà A thiếu lại bao nhiêu thì trả sau, bà A cũng đã ghi vào sổ ông B và mẹ em là nhận trả số cà phê đó. Sau đó bà A hẹn lại ngày trả cà phê cho ông B. Ông B cũng kêu mẹ em ghi vào sổ là mẹ em có bán cho ông 10.000 cà phê đã lấy tiền nhưng chưa giao cà phê. Sau khi bà A nhận là sẽ trả số cà phê đó thì ông B quên không gạch sổ. Cho tới ngày bà A tuyên bố phá sản ông B liền lấy sổ mẹ em đã ghi vào sổ của ông B kiện mẹ em. Mẹ em cũng có đem sổ tay của mẹ em ra cho ông B xem, trong sổ mẹ em cũng có ghi rõ ràng là bà A đã nhận trả số cà phê đó, có chữ ký của bà A (em cũng có thấy trong sổ mẹ em có chữ ký của ông B nữa) mẹ em cũng giải thích rằng mẹ chỉ môi giới qua điện thoại để lấy hoa hồng thôi, số tiền của ông B mẹ em cũng không có lấy. Ông B kiên quyết kiện ra tòa vì biết không thể lấy tiền bên bà A được. Mẹ em cũng đi ra hầu toa, thì được ông C làm ở tòa nói là mẹ em cứ nhận trả tiền cho ông B sau đó kiện bà A rồi lấy tiền bà A trả sang cho ông B. Vì không hiểu pháp luật và nghĩ ông C đại diện cho pháp luật nên ông C nói sao mẹ em chỉ biết làm vậy, mẹ đã nhận hòa giải với ông B, mẹ em cũng có nói phải kêu bà A lên đối chứng thì bên ông B không chịu. Sau đó 1 tuần mẹ ra tòa thì tòa đưa quyết định là mẹ phải trả số cà phê đó (tính giá hiện giờ là hơn bốn trăm triệu) trong khi đó tiền bà A chưa trả cho mẹ. Bây giờ mẹ em muốn xin xử lại vụ này thì phải làm như thế nào, mẹ em đã đưa đơn lên tỉnh. Cho em hỏi nếu xử lại mình có được kêu bà A lên đối chứng không, vì lần xử ở thị trấn người ta không kêu bà A lên đối chứng bên ông B cũng không đồng ý, như vậy có đúng không?
Vấn đề thứ nhất
Câu hỏi bạn đưa ra có nhắc tới thủ tục phá sản. Đây là thủ tục được áp dụng khi Doanh nghiệp (hoặc Hợp tác xã) lâm vào tình trạng phá sản. Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản khi có đơn yêu cầu của Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản; chủ nợ; người lao động; chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước; cổ đông công ty cổ phần; hoặc thành viên hợp danh công ty hợp danh và có căn cứ chứng minh doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.
Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày cuối cùng đăng báo về quyết định của Toà án mở thủ tục phá sản, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Toà án, trong đó nêu cụ thể các khoản nợ, số nợ đến hạn và chưa đến hạn, số nợ có bảo đảm và không có bảo đảm mà doanh nghiệp, hợp tác xã phải trả. Kèm theo giấy đòi nợ là các tài liệu chứng minh về các khoản nợ đó. Hết thời hạn này các chủ nợ không gửi giấy đòi nợ đến Toà án thì được coi là từ bỏ quyền đòi nợ. (Điều 51 Luật Phá sản).
Trường hợp của mẹ bạn, nếu đã gửi giấy đòi nợ và tài liệu chứng minh khoản nợ đến Tòa án thì sẽ được Tổ quản lý, thanh lý tài sản ghi vào Danh sách chủ nợ. Trong trường hợp Tòa án ra quyết định mở thủ tục thanh lý đối với doanh nghiệp của bà A thì mẹ bạn được thanh toán khoản nợ theo quy định tại Điều 37 Luật Phá sản về thứ tự phân chia di sản như sau:
- Phí phá sản;
- Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
- Các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ theo nguyên tắc nếu giá trị tài sản đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ đều được thanh toán đủ số nợ của mình; nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng.
Như vậy, nếu mẹ bạn có trong danh sách chủ nợ thì sẽ được thanh toán đủ số nợ của mình; nếu tài sản của doanh nghiệp của bà A không đủ để thanh toán cho tất cả các chủ nợ thì mẹ bạn và những chủ nợ khác được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng.
Vấn đề thứ 2
Nếu mẹ bạn muốn xin xét xử lại vụ việc trên thì mẹ bạn có thể làm đơn kháng cáo gửi cho Toà án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định; hoặc gửi cho Toà án cấp phúc thẩm trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày Tòa tuyên án (Điều 245 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Nội dung đơn kháng cáo thể hiện :
- Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
- Tên, địa chỉ của người kháng cáo;
- Kháng cáo phần nào của bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
- Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
Nếu Tòa án chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ thì Tòa án sơ thẩm sẽ thông báo cho mẹ bạn biết để nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật nếu mẹ bạn không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí phúc thẩm. Sau đó, tòa án cấp phúc thẩm sẽ tiến hành xét xử phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Khi tham gia xét xử, mẹ bạn quyền nghĩa vụ theo quy định tại Điều 58 Bộ luật Tố tụng dân sự, trong đó có quyền: Đề nghị Toà án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được hoặc đề nghị Toà án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá; khiếu nại với Viện kiểm sát về những chứng cứ mà Toà án đã xác minh, thu thập do đương sự khác yêu cầu. Như vậy, mẹ bạn có thể làm đơn yêu cầu tòa cấp phúc thẩm triệu tập bà A đến để làm rõ vụ việc.