Quy định về thời điểm gửi một chứng từ điện tử?
Nội dung chính
Quy định về thời điểm gửi một chứng từ điện tử?
Theo quy định của pháp luật thì thời điểm gửi một chứng từ điện tử là khi nào? Vấn đề này được quy định tại đâu?
Trả lời: Pháp luật hiện nay có quy định Chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại (dưới đây gọi tắt là chứng từ điện tử) là hợp đồng, đề nghị, thông báo, xác nhận hoặc các tài liệu khác ở dạng thông điệp dữ liệu do các bên đưa ra liên quan tới việc giao kết hay thực hiện hợp đồng.
Theo đó, thì tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 10 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử có quy định:
Thời điểm gửi một chứng từ điện tử là thời điểm chứng từ điện tử đó rời khỏi hệ thống thông tin dưới sự kiểm soát của người khởi tạo hay đại diện của người khởi tạo. Trong trường hợp chứng từ điện tử không rời khỏi hệ thống thông tin dưới sự kiểm soát của người khởi tạo hay đại diện của người khởi tạo, thời điểm gửi là thời điểm nhận được chứng từ điện tử.
- Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, thời điểm nhận một chứng từ điện tử là thời điểm chứng từ điện tử đó tới được địa chỉ điện tử do người nhận chỉ ra và có thể truy cập được.
Trên đây là nội dung tư vấn. Mong là thông tin chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn.
Điều kiện hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử được quy định như thế nào?
Điều kiện hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử được quy định như thế nào? Thương nhân, tổ chức để được cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cần những điều kiện gì? Có thể tìm hiểu nội dung này tại văn bản pháp luật nào?
Trả lời: Thương nhân, tổ chức để được cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cần những điều kiện được quy định tại Điều 63 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và Nghị định 08/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Yêu cầu về chủ thể:
+ Là thương nhân, tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ phù hợp;
+ Có đề án chi tiết cho hoạt động cung cấp dịch vụ được Bộ Công Thương thẩm định.
- Giấy phép hoạt động của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử có thời hạn theo đề nghị cấp phép.
- Nghĩa vụ của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử:
+ Chịu trách nhiệm về tính bảo mật và toàn vẹn của các chứng từ điện tử mà mình lưu trữ và chứng thực;
+ Cung cấp tài liệu và hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến chứng từ điện tử mà mình lưu trữ và chứng thực;
+ Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử của năm trước đó.
- Bộ Công Thương quy định chi tiết về thủ tục thành lập và quy chế hoạt động của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; các trường hợp thu hồi giấy phép hoạt động; trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi bổ sung, thu hồi giấy phép hoạt động của các thương nhân, tổ chức này.
Trên đây là nội dung câu trả lời về những điều kiện để thương nhân, tổ chức được cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
Thông tin nào về điều kiện giao dịch chung của tổ chức hoạt động thương mai điện tử phải công bố trên website?
Tôi đang tìm hiểu các quy định về trong lĩnh vực thương mại điện tử. Anh chị cho tôi hỏi, đối với những tổ chức hoạt động thương mai điện tử thì trên website phải công bố những điều kiện giao dịch chung đối với hàng hóa bao gồm những thông tin nào?
Trả lời: Tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố những điều kiện giao dịch chung đối với hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website, bao gồm:
- Các điều kiện hoặc hạn chế trong việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ, như giới hạn về thời gian hay phạm vi địa lý, nếu có;
- Chính sách hoàn trả, bao gồm thời hạn hoàn trả, phương thức trả hoặc đổi hàng đã mua, cách thức lấy lại tiền, chi phí cho việc hoàn trả này;
- Chính sách bảo hành sản phẩm, nếu có;
- Các tiêu chuẩn dịch vụ, quy trình cung cấp dịch vụ, biểu phí và các điều khoản khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ, bao gồm cả những điều kiện và hạn chế nếu có;
- Nghĩa vụ của người bán và nghĩa vụ của khách hàng trong mỗi giao dịch.
Các điều kiện giao dịch chung phải có màu chữ tương phản với màu nền của phần website đăng các điều kiện giao dịch chung đó và ngôn ngữ thể hiện điều kiện giao dịch chung phải bao gồm tiếng Việt.
Trong trường hợp website có chức năng đặt hàng trực tuyến, người bán phải có cơ chế để khách hàng đọc và bày tỏ sự đồng ý riêng với các điều kiện giao dịch chung trước khi gửi đề nghị giao kết hợp đồng.
Trên đây là quy định về thông tin về điều kiện giao dịch chung của tổ chức hoạt động thương mại điện tử phải công bố trên website.
Trân trọng!