11:55 - 13/11/2024

Quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự

Quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Chủ thể tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự được pháp luật quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự

    Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự được pháp luật quy định như sau:

    1. Khái niệm.

    Người bảo vệ quyền và lợi ích  hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng có đủ các điều kiện do pháp luật quy định được đương sự yêu cầu tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

    2. Đối tượng

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì các đối tượng có thể trở thành người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bao gồm:

    - Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư;

    - Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;

    - Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong vụ việc lao động theo quy định của pháp luật về lao động, công đoàn;

    - Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.

    3. Quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

    a. Quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

    -Thứ nhất là trong giai đoạn sơ thẩm dân sự quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quy định như sau:

    Một là, trong việc điều tra, thu thập chứng cứ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Bộ luật tố tụng dân sự thì: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền được xác minh thu thập chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho Toà án, nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án.

    Hai là, quyền tham gia hoà giải. Bộ luật Tố tụng dân sự quy định cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được tham gia phiên hoà giải cùng đương sự, nếu không tham gia được thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tới phiên hoà giải.

    Ba là, quyền thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác.

    -Thứ hai, giai đoạn tại phiên tòa:

    Một là, thủ tục bắt đầu phiên toà. Trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia phiên tòa thì sau khi chủ tọa phiên tòa giới thiệu họ tên những người tiến hành tố tụng, người giám định, họ có thể giúp đương sự  yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch nếu có căn cứ theo quy định của pháp luật, cung cấp thêm chứng cứ hoặc đề nghị tòa án triệu tập thêm người làm chứng khi xét thấy cần thiết cho vụ việc.

    Hai là, thủ tục hỏi của phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày yêu cầu của nguyên đơn và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố, đề nghị của bị đơn và chứng cứ để chứng minh cho đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày ý kiến của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đối với yêu cầu, đề nghị của nguyên đơn, bị đơn, yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và chứng cứ để chứng minh cho đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp.

    Ba là, thủ tục tranh luận của phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm theo Điều 260 Bộ luật tố tụng dân sự.

    -Thứ ba, giai đoạn sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Nếu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bảo vệ cho đương sự từ cấp sơ thẩm thì tùy thuộc vào diễn biến của phiên tòa mà người bảo vệ quyền lợi của đương sự có thể giúp đương sự kháng cáo ngay khi Tòa sơ thẩm tuyên án. Nếu sau phiên tòa sơ thẩm, đương sự mới nhờ người bảo vệ, để người bảo vệ cần nghiên cứu lại hồ sơ vụ việc thì tùy thuộc vào yêu cầu của đương sự và thực tiễn bản án so với các tình tiết khách quan của vụ án mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể giúp đương sự chuẩn bị tài liệu, chứng cứ mới để kháng cáo một phần hay toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. 

    b. Nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và  lợi ích hợp pháp của đương sự

    -Thứ nhất, nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự: Cùng với những quyền tố tụng dân sự được quy định tại điều 76 Bộ luật tố tụng dân sự và các văn bản pháp luật khác thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng có những nghĩa vụ do pháp luật quy định như các quy định tại các khoản 1 và khoản 16 điều 70 của Bộ luật tố tụng dân sự.

    -Thứ hai, nghĩa vụ bảo vệ pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa: ngoài nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự còn có nghĩa vụ bảo vệ pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa.

    Trên đây là những quy định của pháp luật đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Bạn có thể tham khảo thêm tại Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.

    475
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ