Thứ 6, Ngày 08/11/2024
15:26 - 08/11/2024

Quy định về lấy mẫu, phân tích mẫu giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong?

Quy định về lấy mẫu, phân tích mẫu giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong? Xử lý mẫu không bảo đảm VSTY và ATTP đối với mật ong trong quá trình thực hiện Chương trình giám sát? Quy định về sử dụng thuốc thú y, thức ăn trong nuôi ong?

Nội dung chính

    Quy định về lấy mẫu, phân tích mẫu giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong?

    Căn cứ Điều 10 Thông tư 15/2022/TT-BNNPTNT (có hiệu lực từ 10/12/2022) quy định về lấy mẫu, phân tích mẫu giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong như sau:

    1. Căn cứ cơ cấu mẫu của Chương trình giám sát hằng năm theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 9 của Thông tư này, Cơ quan kiểm tra, giám sát thực hiện việc lấy mẫu ngẫu nhiên hoặc có chủ đích để giám sát đối với mẫu mật ong thô, mật ong nguyên liệu, mật ong thành phẩm và thức ăn nuôi ong.

    2. Thời gian thực hiện lấy mẫu hằng năm được xác định theo mùa vụ khai thác và sản xuất mật ong của các cơ sở.

    3. Địa điểm lấy mẫu

    a) Mẫu mật ong thô từ cơ sở nuôi ong và cơ sở thu mua mật ong: căn cứ mùa vụ khai thác, vùng khai thác mật ong và nơi có các cơ sở thu mua mật ong;

    Trường hợp không thực hiện được việc lấy mẫu ở cơ sở nuôi ong và cơ sở thu mua mật ong, có thể lấy mẫu mật ong thô đã được đưa về cơ sở chế biến nhưng chưa qua sơ chế để giám sát;

    b) Mẫu mật ong nguyên liệu và mật ong thành phẩm từ các cơ sở chế biến mật ong: căn cứ vào thời điểm giám sát và tập trung lấy mẫu tại các địa phương, nơi có các cơ sở chế biến mật ong.

    4. Phương pháp lấy mẫu

    a) Lấy mẫu mật ong: thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

    b) Lấy mẫu thức ăn: thực hiện theo TCVN 13052:2021. Thức ăn chăn nuôi - Lấy mẫu.

    5. Mẫu sau khi lấy phải được niêm phong và có ký hiệu nhận biết (mã hóa).

    6. Phân tích mẫu giám sát

    a) Cơ quan kiểm tra, giám sát gửi mẫu giám sát đến phòng thử nghiệm để phân tích dư lượng và vi sinh vật ô nhiễm theo Chương trình giám sát hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

    b) Kết quả phân tích mẫu được lưu giữ tại phòng thử nghiệm;

    c) Tổ chức, cá nhân được quyền kiến nghị về kết quả trong lần phân tích mẫu đầu tiên; được phép lấy mẫu lại tại dụng cụ chứa đựng mật ong đã được lấy mẫu đó hoặc sử dụng mẫu lưu để phân tích lại; chi trả toàn bộ chi phí trong trường hợp phân tích lại mẫu.

    Xử lý mẫu không bảo đảm Vệ sinh thú y và An toàn thực phẩm đối với mật ong trong quá trình thực hiện Chương trình giám sát?

    Theo Điều 11 Thông tư 15/2022/TT-BNNPTNT (có hiệu lực từ 10/12/2022) việc xử lý mẫu không bảo đảm VSTY và ATTP đối với mật ong trong quá trình thực hiện Chương trình giám sát như sau:

    Trong quá trình phân tích mẫu giám sát, nếu phát hiện thấy những chỉ tiêu VSTY và ATTP không tuân thủ theo quy định của Việt Nam hoặc của nước

    nhập khẩu, Cơ quan kiểm tra, giám sát thực hiện:

    1. Thông báo bằng văn bản về kết quả phân tích mẫu giám sát tới các cơ quan quản lý liên quan.

    Trường hợp phát hiện mẫu giám sát không tuân thủ theo quy định, thông báo ngay cho cơ quan quản lý liên quan và cơ sở có mẫu giám sát không bảo đảm VSTY và ATTP bằng văn bản gồm các thông tin sau:

    a) Tên cơ sở có mẫu không bảo đảm VSTY và ATTP;

    b) Lô hàng, số lượng sản phẩm không bảo đảm VSTY và ATTP;

    c) Ngày lấy mẫu và kết quả thử nghiệm mẫu;

    d) Lý do mẫu không bảo đảm VSTY và ATTP;

    đ) Yêu cầu cơ sở không sử dụng mật ong để đưa vào chế biến hoặc tạm dừng việc kinh doanh đối với lô hàng mật ong không bảo đảm VSTY và ATTP hoặc ngừng sử dụng thuốc thú y trong nuôi ong;

    e) Yêu cầu cơ sở thực hiện ngay việc truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT) và báo cáo kết quả thực hiện cho Cơ quan kiểm tra, giám sát.

    2. Các cơ quan kiểm tra, giám sát tổ chức thẩm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc và kết quả khắc phục của cơ sở; trong trường hợp cần thiết, tổ chức truy xuất toàn bộ chuỗi sản xuất mật ong (nếu phát hiện mẫu mật ong không tuân thủ) để thu hồi, xử lý mật ong không bảo đảm ATTP theo quy định tại Điều 12, Điều 13 và Điều 14 Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT.

    3. Thực hiện các biện pháp giám sát tăng cường và lấy mẫu có chủ đích đối với cơ sở sản xuất mật ong có mẫu giám sát không bảo đảm VSTY và ATTP trong năm thực hiện Chương trình giám sát và năm tiếp theo.

    Trường hợp cơ sở tiếp tục có mẫu giám sát không tuân thủ theo quy định, Cơ quan kiểm tra, giám sát tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định.

    4. Cơ sở có mẫu giám sát không bảo đảm VSTY và ATTP phải chịu toàn bộ chi phí lấy mẫu và phân tích mẫu giám sát tăng cường và xử lý lô hàng.

    Quy định về sử dụng thuốc thú y, thức ăn trong nuôi ong?

    Căn cứ Điều 12 Thông tư 15/2022/TT-BNNPTNT (có hiệu lực từ 10/12/2022) quy định về sử dụng thuốc thú y, thức ăn trong nuôi ong như sau: 

    1. Chỉ sử dụng các loại thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam để phòng, trị bệnh cho ong theo quy định.

    2. Sử dụng thuốc để phòng, trị bệnh cho ong phải theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất và đơn thuốc của người hành nghề thú y. Việc kê đơn thuốc thú y thực hiện theo quy định của Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định về quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; kê đơn, đơn thuốc thú y; sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2018/TT-BNNPTNT; Thông tư số 13/2022/TT-BNNPTNT ngày 28/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư về quản lý thuốc thú y.

    3. Việc sử dụng thức ăn trong nuôi ong phải tuân thủ quy định của pháp luật về thức ăn chăn nuôi.