Quy định thành lập bản đồ địa giới hành chính cấp xã
Nội dung chính
Quy định thành lập bản đồ địa giới hành chính cấp xã
Quy định thành lập bản đồ địa giới hành chính cấp xã tại Khoản 7 Điều 9 Thông tư 48/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về xác định đường địa giới hành chính, cắm mốc địa giới và lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Cụ thể như sau:
.1. Mốc ĐGHC các cấp được thể hiện trên bản đồ số theo đúng giá trị tọa độ trong bảng xác nhận tọa độ mốc ĐGHC cấp xã.
7.2. Điểm đặc trưng được thể hiện trên bản đồ số theo đúng giá trị tọa độ trong bảng tọa độ điểm đặc trưng trên đường ĐGHC.
7.3. Trên cơ sở bản đồ ĐGHC gốc thực địa, xóa bỏ các yếu tố không còn tồn tại trên thực địa đồng thời biên tập bổ sung các yếu tố địa lý đã được thực hiện theo quy định tại tiết b điểm 2.1 khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
7.4. Đường ĐGHC các cấp được thể hiện trên bản đồ ĐGHC cấp xã trên cơ sở bản đồ ĐGHC gốc thực địa đã được các đơn vị hành chính liền kề thống nhất xác định. Trên bản đồ số, đường ĐGHC phải đi qua các điểm đặc trưng, các mốc ĐGHC nằm trên đường địa giới.
7.5. Đường ĐGHC cấp xã chỉ vẽ đến bờ biển. Đường ĐGHC cấp huyện, cấp tỉnh phải được thể hiện đến đường cơ sở.
7.3. Biên tập bản đồ ĐGHC cấp xã dạng số:
a) Việc biên tập bản đồ ĐGHC cấp xã dạng số tuân thủ theo các quy định về biên tập bản đồ địa hình dạng số hiện hành cùng tỷ lệ có bổ sung các yếu tố ĐGHC vào nhóm đối tượng biên giới, địa giới. Các yếu tố ĐGHC phải được thể hiện ở dạng số theo quy định tại điểm 6.1 khoản 6 Điều 9 Thông tư này;
b) Các yếu tố ĐGHC được tổ chức, tách lớp riêng biệt và biên tập theo đơn vị hành chính cấp xã. Các yếu tố địa lý khác được giữ nguyên theo đơn vị mảnh bản đồ nền;
c) Trường hợp có sự mâu thuẫn về vị trí của mốc ĐGHC so với các yếu tố địa lý lân cận, phải tiến hành biên tập lại các yếu tố địa lý trên bản đồ cho phù hợp;
d) Tại các khu vực có mật độ địa vật quá dày, khi mốc ĐGHC, điểm đặc trưng trùng với yếu tố địa lý trên bản đồ thì ưu tiên thể hiện các yếu tố địa giới, các yếu tố địa lý có trong mô tả ĐGHC và các yếu tố địa lý lân cận có tính định hướng;
đ) Trường hợp đường ĐGHC đi trùng đối tượng hình tuyến trên bản đồ, căn cứ vào bản mô tả tiến hành chuẩn hóa lại đối tượng hình tuyến và các đối tượng có liên quan theo đúng tương quan hình học trên cơ sở giữ nguyên các điểm mốc ĐGHC, các điểm đặc trưng. Sau khi chuẩn hóa, đối tượng đường ĐGHC được sao chép trùng khít từ đối tượng hình tuyến đó;
e) Mỗi đối tượng đường ĐGHC phải là một đường liên tục (Linestring) hoặc bao gồm nhiều đoạn tiếp nối với nhau với dung sai 0,001 m. Tại những nơi đường ĐGHC các cấp trùng nhau phải thể hiện đầy đủ bằng cách sao chép trùng khít tuyệt đối;
g) Khi biên tập bản đồ ĐGHC dạng số được phép sử dụng công cụ làm sạch tự động với dung sai 0,001m đối với các vị trí điểm mốc ĐGHC, điểm đặc trưng trên đường ĐGHC và điểm giao cắt giữa các tuyến ĐGHC; 0,1m đối với các đối tượng khác.
7.7. Biên tập bản đồ ĐGHC cấp xã phục vụ in trên giấy
a) Bản đồ ĐGHC in trên giấy được xác lập tính pháp lý theo quy định tại điểm 4.1 khoản 4 Điều 10 Thông tư này;
b) Biên tập bản đồ ĐGHC cấp xã phục vụ in trên giấy được thực hiện trên cùng phiên bản phần mềm và bộ thư viện ký hiệu đã sử dụng trong biên tập bản đồ ĐGHC cấp xã dạng số;
c) Độ chính xác và tính đầy đủ của phiên bản dữ liệu bản đồ phục vụ in trên giấy không được thay đổi so với bộ dữ liệu bản đồ ĐGHC cấp xã dạng số;
d) Quá trình biên tập chỉ được phép xê dịch vị trí các ghi chú hoặc một số ký hiệu có tính đại diện để các nội dung liên quan đến đường ĐGHC các cấp trên bản in được trình bày rõ ràng, dễ đọc;
đ) Trường hợp đối tượng quá dày, cho phép viết tắt các ghi chú theo quy định của bản đồ địa hình truyền thống, cá biệt có thể được phép thu nhỏ đến 2/3 so với quy định để đảm bảo dung nạp hết những nội dung cần thiết;
e) Trường hợp đoạn ĐGHC đi trùng đối tượng hình tuyến, ký hiệu đường ĐGHC được biên tập chéo cánh xẻ hai bên đoạn đối tượng hình tuyến để chỉ rõ giới hạn đoạn ĐGHC đi trùng. Ký hiệu chéo cánh xẻ tuân theo quy tắc thể hiện của bản đồ địa hình truyền thống.