09:37 - 06/11/2024

Phương pháp giáo dục môn giáo dục quốc phòng và an ninh gồm gì?

Phương pháp giáo dục môn giáo dục quốc phòng và an ninh gồm gì? Đánh giá kết quả giáo dục môn giáo dục quốc phòng và an ninh như thế nào?

Nội dung chính

    Phương pháp giáo dục môn giáo dục quốc phòng và an ninh gồm gì?

    Phương pháp giáo dục môn giáo dục quốc phòng và an ninh gồm gì?

    Căn cứ Mục VI Chương trình giáo dục phổ thông môn giáo dục quốc phòng và an ninh ban hành kèm theo Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT quy định về phương pháp giáo dục môn giáo dục quốc phòng và an ninh như sau:

    1. Định hướng chung

    1.1. Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tránh áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tập trung bồi dưỡng năng lực tự chủ và tự học để học sinh có thể tìm hiểu, mở rộng vốn tri thức, tiếp tục phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông; chú trọng rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức quốc phòng và an ninh để phát hiện và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

    1.2. Vận dụng các phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể. Giáo viên có thể phối hợp nhiều phương pháp dạy học trong một chủ đề. Các phương pháp dạy học theo truyền thống (thuyết trình, đàm thoại,...) được sử dụng theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tiên tiến trên cơ sở khai thác những thành tựu về khoa học và công nghệ trong giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh, đặc biệt là áp dụng cuộc cách mạng công nghệ số đang diễn ra, thông tin và truyền thông nhằm đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh (thảo luận, đóng vai, thực hành,...). Các hình thức tổ chức dạy học được thực hiện đa dạng và linh hoạt; kết hợp các hình thức học cá nhân và học nhóm, học trong lớp và học ở ngoài lớp học.

    Giáo viên dạy học và học sinh học tập môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh cần có kĩ năng khai thác và tham khảo những kiến thức về quốc phòng, an ninh trong nước và trên thế giới thông qua hệ thống các cổng thông tin điện tử chính thức được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép phát hành trên mạng, nhằm củng cố, bổ sung và cập nhật kịp thời những kiến thức mới, phục vụ cho quá trình học tập, nghiên cứu và dạy học.

    2. Vận dụng các phương pháp giáo dục cụ thể

    2.1. Khi dạy các bài học lí thuyết, giáo viên cần sử dụng phương pháp nêu vấn đề, tạo tình huống có vấn đề, giúp học sinh chủ động trong vận dụng những hiểu biết về kiến thức phổ thông trong các môn học, kinh nghiệm sẵn có để tham gia hình thành kiến thức mới, phát huy tinh thần ham học, độc lập sáng tạo trong học tập, nghiên cứu.

    2.2. Khi dạy các bài thực hành, giáo viên cần vận dụng phương pháp thuyết trình kết hợp với làm động tác mẫu trên vũ khí, trang bị và các giáo cụ trực quan, công nghệ và phương tiện hỗ trợ trong giảng dạy, đặc biệt là công nghệ mô phỏng, phim video v.v... ; tổ chức luyện tập một cách khoa học để tạo điều kiện cho học sinh quan sát và thực hành chính xác, hiệu quả; đặc biệt phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người học và người dạy.

    2.3. Cần tận dụng tối đa các phương tiện dạy học hiện đại, công nghệ số ứng dụng trong giảng dạy và hướng dẫn thực hành.

    2.4. Cần coi trọng tổ chức hội thi, hội thảo giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu giáo dục và điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương, lấy đây là một phương pháp giáo dục đặc thù của môn học.

    Đánh giá kết quả giáo dục môn giáo dục quốc phòng và an ninh như thế nào?

    Căn cứ Mục VII Chương trình giáo dục phổ thông môn giáo dục quốc phòng và an ninh ban hành kèm theo Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT như sau:

    Việc đánh giá kết quả môn Giáo dục quốc phòng và an ninh là đánh giá mức độ đạt được của học sinh về phẩm chất và năng lực so với các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp học nhằm xác định vị trí và ghi nhận sự tiến bộ của mỗi học sinh tại thời điểm nhất định trong quá trình phát triển của bản thân; đồng thời cung cấp thông tin để giáo viên điều chỉnh việc dạy học và cơ quan quản lí giáo dục thực hiện phát triển chương trình.

    Về hình thức đánh giá, cần kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì, giữa đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh; kết hợp kiểm tra miệng, kiểm tra viết, thực hành, dự án nghiên cứu; kết hợp đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan và tự luận. Việc đánh giá kết quả môn học cần thực hiện theo các quy định sau:

    1. Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ

    - Đánh giá thường xuyên: Bao gồm đánh giá chính thức (thông qua các hoạt động nắm kiến thức trên lớp, thực hành tập luyện, trình diễn, hội thảo...) và đánh giá không chính thức (bao gồm quan sát trên lớp, kiểm tra bài cũ, đối thoại, học sinh tự đánh giá,...) nhằm thu thập những thông tin về quá trình hình thành phát triển phẩm chất và năng lực của từng học sinh.

    - Đánh giá định kì: Được tổ chức ở cuối học kì và cuối năm học bằng hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan và tự luận hoặc thực hành; nội dung đánh giá chú trọng đến nhận thức, kĩ năng thực hành; phối hợp với đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin để phân loại học sinh và điều chỉnh nội dung, phương pháp giáo dục.

    2. Việc đánh giá kết quả môn Giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện theo Quy chế đánh giá xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    16