17:41 - 19/11/2024

Ông nội hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết thì cháu có được hưởng trợ cấp tuất không?

Ông nội của tôi là người hoạt động kháng chiến nhưng bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể là 40%. Ông vừa mất vào ngày 31/7, cho tôi hỏi là ông tôi hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì tôi có được hưởng trợ cấp tuất không?

Nội dung chính

    1. Ông nội hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết thì cháu có được hưởng trợ cấp tuất không?

    Tại Khoản 3 Điều 31 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 quy định người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất như sau:

    a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;

    b) Cha đẻ, mẹ đẻ sống cô đơn, vợ hoặc chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động sống cô đơn, con mồ côi cả cha mẹ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng.

    Như vậy, bạn không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp tuất khi ông của bạn mất vì:

    Thứ nhất: Ông bạn có tỷ lệ tổn thương cơ thể là 40% nhưng trong luật quy định phải là người tham gia hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể là 61% trở lên.

    Thứ hai: Những đối tượng được nhận chế độ tuất chỉ cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật. Bạn là cháu thì không nằm trong những đối tượng đấy.

    Ông nội hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết thì cháu có được hưởng trợ cấp tuất không?

    Ông nội hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết thì cháu có được hưởng trợ cấp tuất không?

    2. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có những chế độ ưu đãi nào?

    Theo Điều 30 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 quy định chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học như sau:

    1. Trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học như sau:

    a) Người thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này thì được hưởng trợ cấp hằng tháng căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể theo các mức từ 21% đến 40%, từ 41% đến 60%, từ 61% đến 80% hoặc từ 81% trở lên;

    b) Người thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này mà không mắc bệnh hoặc mắc bệnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61% thì được hưởng trợ cấp hằng tháng như người có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% đến 60%; trường hợp mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng tương ứng với tỷ lệ tổn thương cơ thể theo mức từ 61% đến 80% hoặc từ 81% trở lên quy định tại điểm a khoản này;

    c) Bệnh binh mắc thêm bệnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này do nhiễm chất độc hóa học được khám giám định tổng hợp để hưởng trợ cấp hằng tháng tương ứng với tỷ lệ tổn thương cơ thể;

    d) Bệnh binh thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này được hưởng trợ cấp hằng tháng đối với bệnh binh và trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% đến 60%;

    đ) Bệnh binh mắc thêm bệnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này do nhiễm chất độc hóa học và thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này được chọn hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại điểm c hoặc điểm d khoản này.

    2. Phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên.

    3. Trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình.

    4. Bảo hiểm y tế.

    5. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm.

    6. Chế độ ưu đãi quy định tại các điểm c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này.

    Do đó, chế độ ưu đãi dành cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học phù thuộc vào tỷ lệ tổn thương cơ thể của người đấy.

    2