Những nội dung chính trong kế hoạch tài chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam là gì?
Nội dung chính
Nội dung kế hoạch tài chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam bao gồm những nội dung gì?
Tại Điều 7 Thông tư 128/2021/TT-BTC có quy định nội dung kế hoạch tài chính của Ngân hàng Phát triển như sau:
Nội dung kế hoạch tài chính hàng năm của Ngân hàng Phát triển thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 46/2021/NĐ-CP, bao gồm:
1. Kế hoạch nguồn vốn và sử dụng vốn theo Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này;
2. Kế hoạch cấp bù lãi suất và phí quản lý theo Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này;
3. Kế hoạch thu nhập, chi phí và kết quả tài chính theo Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này;
4. Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, nâng cấp, hiện đại hóa tài sản theo Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư này;
5. Kế hoạch lao động, tiền lương theo Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này;
6. Kế hoạch cấp hỗ trợ sau đầu tư theo Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này;
Những nội dung chính trong kế hoạch tài chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam là gì? (Hình từ Internet)
Cách thức xác định các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của Ngân hàng Phát triển
Tại Điều 8 Thông tư 128/2021/TT-BTC có quy định cách thức xác định các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của Ngân hàng Phát triển như sau:
Các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của Ngân hàng Phát triển theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 46/2021/NĐ-CP được xác định như sau:
1. Tiêu chí 1: Tín dụng đầu tư của Nhà nước được xác định theo số liệu tính toán tình hình thực hiện các chỉ tiêu tại kế hoạch tín dụng đầu tư của Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao và kế hoạch thu nợ gốc, lãi tín dụng đầu tư do Bộ Tài chính giao hàng năm cho Ngân hàng Phát triển.
2. Tiêu chí 2: Tỷ lệ nợ xấu là tỷ lệ giữa số dư nợ xấu của các khoản nợ Ngân hàng Phát triển chịu rủi ro so với tổng dư nợ Ngân hàng Phát triển chịu rủi ro. Việc xác định số dư nợ xấu được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển.
3. Tiêu chí 3: Kết quả tài chính là chênh lệch giữa thu nhập và chi phí phát sinh trong năm đánh giá, được xác định theo báo cáo tài chính riêng lẻ đã được kiểm toán của Ngân hàng Phát triển.
4. Tiêu chí 4: Tình hình chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển đối với các nghiệp vụ phát sinh trong năm đánh giá. Mức xử phạt vi phạm hành chính làm căn cứ để đánh giá xếp loại là số tiền phải nộp phạt ghi trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm được phát hiện trong năm tài chính thực hiện đánh giá xếp loại, không bao gồm số tiền phải nộp để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
5. Tiêu chí 5: Tình hình chấp hành chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 46/2021/NĐ-CP.