Như thế nào được xem là chứng cứ trong vụ việc dân sự? Tài liệu đọc được coi là chứng cứ trong TTDS khi đủ những điều kiện gì?
Nội dung chính
Như thế nào được xem là chứng cứ trong vụ việc dân sự?
Ban biên tập hãy giải đáp giúp tôi thắc mắc sau đây: Như thế nào được xem là chứng cứ trong vụ việc dân sự? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin cảm ơn!
Văn Duy - Thái Bình
Trả lời:
Tại Điều 93 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 có quy định về vấn đề này như sau:
Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
Theo đó, chứng cứ có thể được thu thập từ các nguồn sau đây:
+ Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
+ Vật chứng.
+ Lời khai của đương sự.
+ Lời khai của người làm chứng.
+ Kết luận giám định.
+ Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
+ Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
+ Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
+ Văn bản công chứng, chứng thực.
+ Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Trên đây là nội dung giải đáp về khái niệm chứng cứ trong vụ việc dân sự.
Xác minh, thu thập chứng cứ trong Tố tụng Dân sự được quy định như thế nào?
Xác minh, thu thập chứng cứ trong Tố tụng Dân sự được quy định như thế nào? Xin chào quý Ban biên tập, tôi tên Công Ninh sinh sống và làm việc tại Hải Phòng, để đáp ứng nhu cầu hiểu biết tôi có tìm hiểu một số quy định về luật tố tụng dân sự, nhưng tôi vẫn chưa hiểu lắm vấn đề này, nhờ Ban biên tập hỗ trợ giúp, cụ thể: Xác minh, thu thập chứng cứ trong Tố tụng Dân sự được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn! (0123**)
Trả lời:
Xác minh, thu thập chứng cứ được quy định tại Điều 97 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, nội dung này được quy định cụ thể như sau:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ bằng những biện pháp sau đây:
a) Thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thông điệp dữ liệu điện tử;
b) Thu thập vật chứng;
c) Xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng;
d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý;
đ) Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng;
e) Yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ;
g) Yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản;
h) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.
2. Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:
a) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
b) Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng;
c) Trưng cầu giám định;
d) Định giá tài sản;
đ) Xem xét, thẩm định tại chỗ;
e) Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;
g) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự;
h) Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú;
i) Các biện pháp khác theo quy định của Bộ luật này.
3. Khi tiến hành các biện pháp quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 2 Điều này, Tòa án phải ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án.
4. Trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, Thẩm tra viên có thể tiến hành các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ quy định tại các điểm a, g và h khoản 2 Điều này.
Khi Thẩm tra viên tiến hành biện pháp quy định tại điểm g khoản 2 Điều này, Tòa án phải ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án.
5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án thu thập được tài liệu, chứng cứ, Tòa án phải thông báo về tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
6. Viện kiểm sát thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trên đây là nội dung tư vấn về Xác minh, thu thập chứng cứ trong Tố tụng Dân sự. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.
Tài liệu đọc được coi là chứng cứ trong tố tụng dân sự khi đủ những điều kiện gì?
Tài liệu đọc được coi là chứng cứ trong tố tụng dân sự khi đủ những điều kiện gì? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi có vấn đề muốn hỏi như sau: Tôi biết tài liệu đọc cũng là một dạng chứng cứ trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên có phải đáp ứng những điều kiện gì không ạ? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp tôi. Xin cám ơn!
Trả lời:
Nội dung mà bạn hỏi liên quan tới xác định chứng cứ trong tố tụng dân sự được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/07/2016).
Theo đó, tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
(Khoản 1 Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)