Người được giao sử dụng còng số 8 cần phải đáp ứng những điều kiện nào? Cá nhân, tổ chức nào được phép sử dụng còng số 8?
Nội dung chính
Người được giao sử dụng còng số 8 cần phải đáp ứng những điều kiện nào?
Căn cứ theo khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định còng số 8 là một trong những công cụ hỗ trợ.
Đồng thời căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định người được giao sử dụng còng số 8 phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao;
- Không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã được xóa án tích trong trường hợp bị kết tội theo bản án, quyết định của Tòa án;
- Đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Người được giao sử dụng còng số 8 cần phải đáp ứng những điều kiện nào? Cá nhân, tổ chức nào được phép sử dụng còng số 8? (Hình từ Internet)
Cá nhân, tổ chức nào được phép sử dụng còng số 8?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 17/2018/TT-BCA có quy định các đối tượng sau đây được trang bị còng số 8:
- Đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an;
- Trại giam, trại tạm giam;
- Học viện, trường Công an nhân dân; Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện;
- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh);
- Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Công an xã, phường, thị trấn.
Trường hợp nào được sử dụng còng số 8?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 61 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định các trường hợp được sử dụng còng số 8 như sau:
- Ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
- Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
- Ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ, làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy;
- Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng công cụ hỗ trợ là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng công cụ hỗ trợ như sau:
- Cá nhân sở hữu công cụ hỗ trợ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp công cụ hỗ trợ.
- Mang trái phép công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
- Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng công cụ hỗ trợ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng công cụ hỗ trợ được giao.
- Giao công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.
- Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp công cụ hỗ trợ; trừ trường hợp trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê vũ khí thô sơ để làm hiện vật trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
- Vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
- Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về công cụ hỗ trợ.
- Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố công cụ hỗ trợ.
- Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng công cụ hỗ trợ dưới mọi hình thức.
- Che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại công cụ hỗ trợ.
- Đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép công cụ hỗ trợ; phế liệu, phế phẩm công cụ hỗ trợ.
- Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý công cụ hỗ trợ; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về công cụ hỗ trợ.