18:58 - 06/11/2024

Năm 2024, những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp là gì?

Năm 2024, những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp là gì? Mã số doanh nghiệp có bao nhiêu số? Mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực trong trường hợp nào?

Nội dung chính

    Năm 2024, những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp là gì?

    Căn cứ Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp:

    Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp

    1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật này.

    2. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

    3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

    Theo đó, khi đặt tên doanh nghiệp nghiêm cấm các điều sau:

    (1) Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký. Cụ thể như sau:

    - Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;

    - Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;

    - Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

    - Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;

    - Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;

    - Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

    - Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;

    - Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

    (2) Không được sử dụng tên của các tổ chức sau để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp:

    - Cơ quan nhà nước;

    - Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;

    - Tổ chức chính trị;

    - Tổ chức chính trị - xã hội;

    - Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp;

    - Tổ chức xã hội;

    - Tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

    Lưu ý: Chỉ được sử dụng tên của các tổ chức àm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp khi có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

    (3) Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

    Năm 2024, những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp là gì?

    Năm 2024, những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp là gì? (Hình từ Internet)

    Mã số doanh nghiệp có bao nhiêu số?

    Căn cứ Điều 5 Thông tư 105/2020/TT-BTC quy định cấu trúc mã số thuế:

    Cấu trúc mã số thuế

    1. Cấu trúc mã số thuế

    N1N2 N3N4N5N6N7N8N9 N10 - N11N12N13

    Trong đó:

    - Hai chữ số đầu N1N2 là số phân khoảng của mã số thuế.

    - Bảy chữ số N3N4N5N6N7N8N9 được quy định theo một cấu trúc xác định, tăng dần trong khoảng từ 0000001 đến 9999999.

    - Chữ số N10 là chữ số kiểm tra.

    - Ba chữ số N11N12N13 là các số thứ tự từ 001 đến 999.

    - Dấu gạch ngang (-) là ký tự để phân tách nhóm 10 chữ số đầu và nhóm 3 chữ số cuối.

    2. Mã số doanh nghiệp, mã số hợp tác xã, mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã là mã số thuế.

    3. Phân loại cấu trúc mã số thuế

    a) Mã số thuế 10 chữ số được sử dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc tổ chức không có tư cách pháp nhân nhưng trực tiếp phát sinh nghĩa vụ thuế; đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh và cá nhân khác (sau đây gọi là đơn vị độc lập).

    b) Mã số thuế 13 chữ số và dấu gạch ngang (-) dùng để phân tách giữa 10 số đầu và 3 số cuối được sử dụng cho đơn vị phụ thuộc và các đối tượng khác.

    c) Người nộp thuế là tổ chức kinh tế, tổ chức khác theo quy định tại Điểm a, b, c, d, n Khoản 2 Điều 4 Thông tư này có đầy đủ tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân nhưng trực tiếp phát sinh nghĩa vụ thuế và tự chịu trách nhiệm về toàn bộ nghĩa vụ thuế trước pháp luật được cấp mã số thuế 10 chữ số; các đơn vị phụ thuộc được thành lập theo quy định của pháp luật của người nộp thuế nêu trên nếu phát sinh nghĩa vụ thuế và trực tiếp khai thuế, nộp thuế được cấp mã số thuế 13 chữ số.

    d) Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 4 Thông tư này đăng ký nộp thuế nhà thầu trực tiếp với cơ quan thuế thì được cấp mã số thuế 10 chữ số theo từng hợp đồng.

    ...

    Như vậy, mã số doanh nghiệp là mã số thuế gồm 10 chữ số được cấp cho mỗi doanh nghiệp. Cấu trúc mã số doanh nghiệp như sau:

    N1N2 N3N4N5N6N7N8N9 N10 - N11N12N13

    Trong đó:

    - Hai chữ số đầu N1N2 là số phân khoảng của mã số thuế.

    - Bảy chữ số N3N4N5N6N7N8N9 được quy định theo một cấu trúc xác định, tăng dần trong khoảng từ 0000001 đến 9999999.

    - Chữ số N10 là chữ số kiểm tra.

    - Ba chữ số N11N12N13 là các số thứ tự từ 001 đến 999.

    - Dấu gạch ngang (-) là ký tự để phân tách nhóm 10 chữ số đầu và nhóm 3 chữ số cuối.

    Mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực trong trường hợp nào?

    Căn cứ Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019 quy định chấm dứt hiệu lực mã số thuế như sau:

    Chấm dứt hiệu lực mã số thuế

    1. Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giải thể, phá sản;

    b) Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

    c) Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.

    ...

    Như vậy, mã số doanh nghiệp là mã số thuế chấm dứt hiệu lực trong trường hợp sau:

    - Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giải thể, phá sản;

    - Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

    - Doanh nghiệp bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.

    16