11:41 - 20/09/2024

Năm 2023 tăng cường công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét?

Có phải đã có Công văn tăng cường công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét năm 2023 đúng không?

Nội dung chính


    Tăng cường công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét 2023?

    Ngày 09/10/2023, Bộ Y tế ban hành Công văn 6475/BYT-DP năm 2023 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt rét năm 2023.

    Nhằm tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống và kiểm soát bệnh sốt rét trên địa bàn cả nước, Bộ Y Tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ như sau:

    (1) Tiếp tục chỉ đạo và thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh, thành phố; rà soát và bổ sung kế hoạch phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét năm 2023 và kế hoạch phòng, chống và loại trừ sốt rét trong giai đoạn tiếp theo nhất là việc đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện loại trừ bệnh sốt rét ở các địa phương vẫn đang có lưu hành bệnh sốt rét;

    Duy trì bền vững các thành quả về loại trừ bệnh sốt rét tại các địa phương đã công bố đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

    (2) Rà soát củng cố các điểm kính hiển vi, tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng về giám sát, xét nghiệm của các cơ sở y tế.

    Tăng cường công tác giám sát phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh sốt rét bằng soi kính hiển vi hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh, hạn chế bỏ sót người bệnh.

    (3) Tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét ban hành kèm theo Quyết định 3377/QĐ-BYT năm 2023.

    (4) Rà soát độ bao phủ thực tế của việc phân bổ màn, võng được tẩm hóa chất và tỷ lệ ngủ màn thực tế của từng hộ gia đình nhóm nguy cơ mắc bệnh sốt rét để có biện pháp, kế hoạch cung cấp bổ sung và triển khai tẩm màn, võng, màn võng trong phòng, chống bệnh sốt rét.

    (5) Đề xuất các giải pháp thích hợp quản lý đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sốt rét, biện pháp phù hợp để tiếp cận được toàn bộ các đối tượng nguy cơ...

    (6) Tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe, truyền thông nguy cơ và thay đổi hành vi trong thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét cho các đối tượng nguy cơ và người dân vùng sốt rét lưu hành, thực hiện ngủ màn đã được tẩm hóa chất cả ở nhà và khi ngủ trong rừng, nương rẫy; khi bị mắc sốt rét thì đến cơ sở y tế để được khám và điều trị sốt rét kịp thời, sử dụng thuốc điều trị sốt rét đầy đủ theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế.

    Cấp màn, võng và màn võng có tẩm hóa chất diệt muỗi, kem xua muỗi cá nhân; nhanh chóng thực hiện tẩm màn, võng và màn võng bằng hóa chất diệt muỗi cho người dân và phun hóa chất diệt muỗi tồn lưu tại các hộ gia đình và những nơi có nguy cơ cao.

    (7) Củng cố, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế xã, thôn, bản; tăng cường phối hợp hiệu quả giữa chính quyền và các ban, ngành trong phòng chống sốt rét.

    Bố trí nguồn nhân lực để đảm bảo đáp ứng yêu cầu cho hoạt động phòng chống sốt rét; bố trí đầy đủ kinh phí hoạt động chuyên môn trong nhiệm vụ thường xuyên của ngân sách địa phương.

    Chỉ đạo các cơ sở y tế luôn luôn đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, thuốc, trang thiết bị cho công tác phòng, chống bệnh sốt rét trên địa bàn.

    (8) Theo dõi sát diễn biến tình hình sốt rét và đánh giá kết quả triển khai các biện pháp can thiệp phòng, chống bệnh sốt rét để kịp thời có các biện pháp chỉ đạo tiếp theo cho các địa phương.

    Chỉ đạo các đơn vị y tế theo dõi, báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT.

    Tăng cường công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét năm 2023? (Hình từ Internet)

    Người nghi ngờ sốt rét sẽ có những biểu hiện gì?

    Tại Tiểu mục 1 Mục 2 Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét được ban hành kèm theo Quyết định 3377/QĐ-BYT năm 2023 có quy định về người nghi ngờ sốt rét sẽ có những biểu hiện sau:

    Là những trường hợp có sốt và có yếu tố dịch tễ.

    - Sốt: người bệnh đang sốt hoặc có tiền sử sốt trong 3 ngày gần đây.

    + Có triệu chứng điển hình của cơn sốt rét: rét run, sốt và vã mồ hôi, có tính chu kỳ.

    + Những người bị sốt rét lần đầu tiên thường không có cơn sót rét điển hình mà thường sốt không thành cơn (người bệnh thấy ớn lạnh, gai rét) hoặc sốt cao liên tục, sốt dao động.

    - Yếu tố dịch tễ: đến vùng sốt rét, đang ở hoặc trở về từ vùng sốt rét lưu hành hoặc có tiền sử mắc sốt rét.

    Tất cả các trường hợp nghi ngờ sốt rét đều phải làm xét nghiệm để phát hiện ký sinh trùng sốt rét.

    Nếu lần đầu xét nghiệm soi lam âm tính, mà vẫn còn nghi ngờ người đó bị sốt rét, thì phải xét nghiệm lại lam máu sau 8-24 giờ tốt nhất vào thời điểm người bệnh đang lên cơn sốt.

    Chuẩn đoán phân biệt sốt rét thường với các bệnh khác như thế nào?

    Tại Tiểu mục 4 Mục 2 Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét được ban hành kèm theo Quyết định 3377/QĐ-BYT năm 2023 có quy định về chuẩn đoán phân biệt như sau:

    Chẩn đoán phân biệt

    4.1. Chẩn đoán phân biệt sốt rét thường với các bệnh khác

    Trường hợp kết quả xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét âm tính cần phân biệt với sốt do các nguyên nhân khác như: sốt xuất huyết Dengue, sốt thương hàn, sốt mò, cảm cúm, viêm họng, viêm amidan, viêm màng não...

    4.2. Chẩn đoán phân biệt sốt rét ác tính với các bệnh cảnh ác tính khác

    Trường hợp xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét âm tính cần làm thêm các xét nghiệm khác, khai thác kỹ yếu tố dịch tễ liên quan để tìm các nguyên nhân:

    - Hôn mê do viêm não, viêm màng não, nhiễm khuẩn nặng...

    - Vàng da, vàng mắt do xoắn khuẩn, nhiễm khuẩn đường mật, viêm gan vi rút, tan huyết.

    - Sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, sốt mò.

    - Suy hô hấp cấp do các nguyên nhân khác.

    Như vậy, sốt rét thường với các bệnh khác sẽ có chẩn đoán phân biệt như sau:

    Kết quả xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét âm tính cần phân biệt với sốt do các nguyên nhân khác như: sốt xuất huyết Dengue, sốt thương hàn, sốt mò, cảm cúm, viêm họng, viêm amidan, viêm màng não...

    2