11:54 - 11/11/2024

Mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động trong ngành kiểm sát được quy định như thế nào?

Xin chào, tôi tên Thùy Vân sinh sống và làm việc tại Bến Tre. Trong quá trình làm việc tôi có tìm hiểu đôi chút về quản lý tài sản công trong các cơ quan Nhà nước, tuy nhiên tôi có quan tâm đến Viện kiểm sát vì đấy một thời là ước mơ mà tôi phấn đấu, nhưng có lẽ không có duyên với ngành. Tôi có theo dõi trang tư vấn của các bạn, nay mới có dịp trao đổi, nhờ các bạn hỗ trợ giúp: Mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động trong ngành kiểm sát được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động trong ngành kiểm sát được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Quyết định 94/QĐ-VKSTC năm 2018 quy định về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động được quy định như sau:

    1. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.

    2. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách trung ương trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:

    a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được phân công quyết định mua sắm tài sản công là ô tô, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị làm việc và các tài sản khác (trừ ô tô, phương tiện vận tải) có giá trị từ 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản trở lên hoặc giá trị mua sắm từ 3.000 triệu đồng trở lên cho một gói mua sắm tài sản;

    b) Chánh Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng đơn vị dự toán trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định mua sắm tài sản công có giá trị đến dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản hoặc giá trị mua sắm tài sản công từ 500 triệu đồng đến dưới 3.000 triệu đồng cho một gói mua sắm tài sản của đơn vị mình và đơn vị thuộc phạm vi quản lý;

    c) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện quyết định mua sắm tài sản công có giá trị đến 100 triệu đồng/01 đơn vị tài sản hoặc giá trị mua sắm tài sản công đến dưới 500 triệu đồng cho một gói mua sắm tài sản.

    3. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:

    Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc mua sắm tài sản công của đơn vị mình và đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên cơ sở thống nhất bằng văn bản của đơn vị dự toán cấp trên (nếu có) về tiêu chuẩn, định mức trang bị, sử dụng tài sản theo quy định của cấp có thẩm quyền.

    Trên đây là nội dung tư vấn về Mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động trong ngành Kiểm sát. Để hiểu rõ hơn vấn đề vui lòng tìm hiểu thêm tại Quyết định 94/QĐ-VKSTC năm 2018.

    8