09:45 - 13/11/2024

Khởi kiện hành vi gây tai nạn giao thông sau khi đã viện

Mẹ tôi bị xe hoa lâm đụng, do tài xế với gia đình tôi có quen biết, nên ông nan nỉ gia đình tôi không báo với công an. Gia đình tôi đồng ý và cho ông tài xế viết giấy xác nhận là có đụng mẹ tôi, ông sẽ chịu mọi khoản chi phí điều trị cho mẹ tôi trong lúc nằm viện và xuất viện cho đến khi bình phục. Bà bị thương ở đầu phải khâu 42 mũi, lệch xương gò má, gãy ngón tay thứ 4 bàn tay trái. Nhưng đến khi mẹ tôi xuất viện, bên tài xế xe hoa lâm chỉ bồi thường cho gia đình tôi có 5 triệu đồng thôi. Vậy xin hỏi, gia đình tôi có thể kiện ông tài xế đó ra tòa không?

Nội dung chính

    Khởi kiện hành vi gây tai nạn giao thông sau khi đã viện

    Theo quy định của pháp luật thì mọi cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Và mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật cũng không trái đạo đức xã hội thì sẽ có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Do đó, nếu như bên gây tai nạn và gia đình bạn đã thỏa thuận không báo công an mà người gây tai nạn sẽ chịu mọi khoản chi phí điều trị cho mẹ bạn thì sẽ được tôn trọng. Tuy nhiên, người gây tai nạn mới chỉ bồi thường cho mẹ bạn là 5 triệu đồng. Đã không thực hiện đúng thỏa thuận. Để xem xét mẹ bạn có được khởi kiện hay không, trong trường hợp này cần phải chứng minh được điều kiện để me bạn được bồi thường thiệt hại.

    Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định căn cứ pháp sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó:

    + Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại, trừ các trường hợp được Bộ luật này và luật khác có liên quan quy định khác.

    + Trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

    + Chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản gây thiệt hại.

    Theo thông tin bạn cung cấp, Mẹ bạn bị xe hoa lâm đụng. Tuy nhiên, bạn không nói rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn. Do đó, nếu như bạn chứng minh được lỗi của người lái xe hoa và hành vi của người đó là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cho mẹ bạn thì mẹ bạn sẽ được bồi thường thiệt hại. Một trong những nguyên tắc để bồi thường thiệt hại là thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường cũng như hình thức bồi thường: bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Do hai bên đã có thỏa thuận giải quyết người lái xe hoa sẽ chịu mọi khoản chi phí điều trị cho mẹ bạn trong lúc nằm viện và xuất viện cho đến khi bình phục. Nhưng người gây tai nạn không thực hiện đúng như vậy mà chỉ bồi thường cho mẹ bạn 5 triệu đồng. Như vậy, trong trường hợp này người lái xe đã không thực hiện đúng thỏa thuận. Vì thế, mẹ bạn có thể khởi kiện người lái xe ra Tòa án để giải quyết. Bởi theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì vấn đề tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

    Bạn có nói mẹ bạn bị thương ở đầu phải khâu 42 mũi, lệch xương gò má, gãy ngón tay thứ 4 bàn tay trái. Trong trường hợp này, mẹ bạn có quyền yêu cầu người lái xe bồi thường thiệt hại về sức khỏe được quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể, các chi phí người lái xe phải bồi thường cho mẹ bạn gồm:

    (1) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của mẹ bạn. 

    (2) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của mẹ bạn trong thời gian mẹ bạn nằm viện điều trị và phục hồi sức khỏe. Nếu thu nhập thực tế của mẹ bạn không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của người lao động cùng loại.

    (3) Nếu mẹ bạn trong thời gian điều trị mà có người chăm sóc thì người lái xe phải bồi thường cả chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc đó.

    (4) Ngoài ra, người gây tai nạn phải bồi thường cho mẹ bạn một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ do các bên thoả thuận. Nếu người lái xe hoa và gia đình bạn không thoả thuận được thì mức tối đa không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Hiện, mức lương cơ sở của nhà nước là 1.210.000 đồng nên mức bồi thường tổn thất tinh thần tối đa mà mẹ bạn có thể nhận được là 60.500.000 đồng.

    Như vậy, để có thể đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mẹ bạn thì mẹ bạn có thể chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và nộp cho Tòa án nhân dân cấp quận (huyện) nơi người lái xe gây tai nạn sinh sống, làm việc theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

    7