Khi nào thì được xác định là chi phí đầu tư vào đất còn lại?
Nội dung chính
Khi nào thì được xác định là chi phí đầu tư vào đất còn lại?
Theo quy định pháp luật hiện hành thì Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại trong các trường hợp được quy định tại Điều 76 Luật Đất đai 2013.
Trong đó, Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 47/2014/NĐ-CP thì chi phí đầu tư vào đất còn lại là các chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nhưng đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất còn chưa thu hồi hết.
Chi phí đầu tư vào đất còn lại gồm toàn bộ hoặc một phần của các khoản chi phí sau:
- Chi phí san lấp mặt bằng;
- Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;
- Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;
- Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 47/2014/NĐ-CP thì điều kiện xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại cụ thể như sau:
- Có hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất. Trường hợp chi phí đầu tư vào đất còn lại không có hồ sơ, chứng từ chứng minh thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại;
- Chi phí đầu tư vào đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!