Thứ 4, Ngày 30/10/2024
09:03 - 03/10/2024

Khi nào Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng phải công bố thông tin bất thường?

Khi nào Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng công bố thông tin bất thường? Quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán?

Nội dung chính

    Khi nào Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng công bố thông tin bất thường? 

    Căn cứ Khoản 1 Điều 125 Luật Chứng khoán 2019 thì công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán công bố thông tin bất thường về công ty đầu tư chứng khoán đại chúng khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

    - Bị đình chỉ, hủy bỏ đợt chào bán cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;

    - Tạm ngừng giao dịch cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;

    - Tài khoản của công ty tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có dấu hiệu gian lận, vi phạm pháp luật liên quan đến tài khoản thanh toán; tài khoản được phép hoạt động trở lại sau khi bị phong tỏa trong các trường hợp quy định tại điểm này;

    - Thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông bất thường theo quy định của pháp luật;

    - Quyết định thay đổi kỳ kế toán, chính sách kế toán áp dụng; kết quả điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính; ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán đối với báo cáo tài chính; việc lựa chọn hoặc thay đổi công ty kiểm toán;

    - Sự kiện khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

    - Sửa đổi Điều lệ, Bản cáo bạch;

    - Thay đổi, bổ nhiệm mới người nội bộ của quỹ đại chúng; có quyết định khởi tố người nội bộ của quỹ đại chúng;

    - Quyết định hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, thay đổi thời hạn hoạt động, thanh lý tài sản của quỹ đại chúng;

    Quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán

    Căn cứ Điều 132 Luật Chứng khoán 2019  thì việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán được quy định như sau:

    - Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    - Việc xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

    - Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của Luật này là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 4 Điều này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 4 Điều này. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp tính khoản thu trái pháp luật có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

    - Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 03 tỷ đồng.

    - Mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này được áp dụng đối với tổ chức; cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.

    - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành chứng khoán có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

    - Chính phủ quy định thẩm quyền, mức phạt và hình thức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

    Nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN trong thanh tra, kiểm tra, xử lý VPPL về chứng khoán

    Căn cứ Điều 130 Luật Chứng khoán 2019 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán như sau:

    - Trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

    + Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu đó hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra;

    + Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 12 của Luật này. Trình tự, thủ tục yêu cầu và cung cấp thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng;

    + Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 12 của Luật này. Trình tự, thủ tục yêu cầu và cung cấp thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về viễn thông.

    - Việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu, giải trình, đến làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt và được thực hiện bằng văn bản, nêu rõ mục đích, căn cứ, nội dung, phạm vi yêu cầu.

    - Các thông tin, tài liệu, dữ liệu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, doanh nghiệp viễn thông cung cấp theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được bảo mật theo quy định của pháp luật và chỉ được phép sử dụng cho mục đích thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân liên quan.

    - Trong giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm về chứng khoán mang tính xuyên biên giới có liên quan đến thị trường chứng khoán Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp thanh tra, điều tra, xác minh, thu thập và chia sẻ thông tin với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước.