Khái niệm người để lại di sản là gì ?
Nội dung chính
Khái niệm người để lại di sản là gì ?
Người để lại di sản là người có tài sản sau khi chết để lại cho người còn sống theo ý chí của họ được thể hiện trong di chúc hay theo quy định của pháp luật.
Người để lại di sản chỉ có thể là cá nhân, không phân biệt bất cứ điều kiện nào (tuổi, mức độ năng lực hành vi dân sự…)
Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở… Khi còn sống họ có có quyền đưa các loại tài sản này vào lưu thông dân sự hoặc lập di chúc cho người khác hưởng tài sản của mình sau khi chết. Trong trường hợp người để lại di sản lập di chúc để định đoạt tài sản của mình thì phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật (sẽ được phân tích cụ thể ở phần sau).
Trường hợp công dân có tài sản thuộc sở hữu riêng, không lập di chúc để định đoạt tài sản của mình thì tài sản này sẽ chia theo quy định của pháp luật.
di chúc miệng
* Người lập di chúc:
Điều kiện của người lập di chúc
Điều 647 Bộ Luật dân sự 2005 có quy định về người lập di chúc như sau:
“1. Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.”
Quy định tại điều 647 BLDS đã làm sáng tỏ một số điều kiện để xác định chủ thể lập di chúc. Nhìn chung, chủ thể lập di chúc là người định đoạt tài sản của mình thông qua hành vi pháp lý đơn phương của họ. Vì vậy điều kiện về độ tuổi và năng lực trí tuệ của cá nhân người lập di chúc là điều kiện tiên quyết trong việc xác định di chúc có giá trị pháp lý hay không có giá trị pháp lý.
Quyền của người lập di chúc
Điều 648 BLDS 2005 quy định người lập di chúc có các quyền sau đây:
• Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
Người lập di chúc có thể chỉ định người thừa kế là người bất kỳ, mà không bó buộc trong số những người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc. Việc chỉ định người thừa kế là một nội dung không thể thiếu của di chúc.
Người bị truất quyền hưởng di sản phải là người được thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc. Người lập di chúc có thể chỉ rõ trong di chúc những người thừa kế theo pháp luật nào của người lập di chúc bị truất quyền hưởng thừa kế mà không cần nêu rõ lý do.
• Phân định phần di sản cho từng người thừa kế
Người lập di chúc cũng có quyền chia cho người này nhiều hơn người kia mà không buộc phải chia đều cho những người đã được chỉ định và không cần nêu lý do. Nếu không phân định di sản trong di chúc thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc.
• Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng
Dành một phần di sản để di tặng
Điều 671 quy định về di tặng như sau:
“1. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác.Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc.
2. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.”
Trước tiên cần phải khẳng định rằng: Di tặng không phải là hợp đồng tặng cho, bởi vì hợp đồng tặng cho là sự thỏa thuận giữa các bên: bên tặng cho mà không yêu cầu đền bù và bên được tặng cho đồng ý nhận. Như vậy, chủ thể tặng cho và chủ thể được tặng cho đều còn sống và cả hai bên đều thể hiện ý chí tặng cho tài sản và nhận tặng cho tài sản. Trong quan hệ di tặng, việc di tặng là hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc, không thể hiện ý chí của người được di tặng. Nếu như hợp đồng tặng cho được coi là hoàn thành khi người được tặng cho nhận được tài sản hoặc kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu (đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu) thì trong di tặng quyền của người được di tặng chỉ phát sinh tại thời điểm mở thừa kế.
Người được di tặng có quyền nhận hoặc không nhận quyền hưởng di tặng. Nếu ngườithừa kế theo di chúc chỉ được hưởng di sản sau khi đã thanh toán các nghĩa vụ tài sản của người chết để lại từ di sản thì ngưởi được di tặng không phải dùng phần di sản được hưởng để thanh toán các nghĩa vụ tài sản của người chết nếu di sản khác vẫn còn đủ để thanh toán. Nếu người được di tặng từ chối nhận di tặng, phần di sản di tặng được chia thừa kế theo pháp luật.
Dành một phần tài sản vào việc thờ cúng
Điều 670 BLDS 2005 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:
“1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.”
Như vậy, di sản dùng vào việc thờ cúng được để lại theo ý nguyện của người lập di chúc, di sản này không chia mà được giao cho một người quản lý. Nếu tài sản là cây lâu năm, người quản lý có quyền thu hoa lợi, lợi tức và dùng nó để thực hiện việc thờ cúng. Người quản lý không được sử dụng vào mục đích của riêng mình, không có quyền định đoạt đối với phần di sản thờ cúng.Chỉ được để lại một phần di sản vào việc thờ cúng khi thanh toán đủ nghĩa vụ tài sản.Nếu không, phần di chúc để lại di sản coi như vô hiệu.
Về “một phần di sản” dành vào việc thờ cúng, trước đây, bộ luật Trung kỳ 1936 quy định “không thể quá 1/5 giá trị của cải của người lập hương hỏa” đến pháp lệnh Thừa kế 1990 quy định “Nếu người lập di chúc có để di sản dùng vào việc thờ cúng thì di sản đó được coi như di sản chưa chia” tức là có thể dành toàn bộ di sản vào việc thờ cúng. Nhưng điều 670 vẫn chưa quy định rõ ràng “một phần di sản” có định lượng bao nhiêu. Trường hợp người lập di chúc định đoạt tài sản dùng vào việc thờ cúng quá lớn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế. Trong thời gian tới, pháp luật dân sự cần quy định cụ thể về vấn đề này.
• Giao nghĩa vụ cho người thừa kế
Bên cạnh những quyền về tài sản, người lập di chúc còn có những nghĩa vụ về tài sản. Nếu người để lại di sản không có di chúc thì những người thừa kế theo pháp luật của họ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản. Trường hợp người lập di chúc chỉ định đoạt một phần hay toàn bộ di sản nhưng không giao nghĩa vụ cho những người thừa kế thì những người thừa kế vẫn có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại tương ứng với phần được hưởng trong phạm vi di sản.
Trong di chúc, người lập di chúc có quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản. Người lập di chúc có quyền phân định cho người thừa kế này nhiều di sản hơn người thừa kế kia nhưng lại giao cho người thừa kế kia nhiều nghĩa vụ hơn (nhưng vẫn nằm trong phạm vi di sản) người thừa kế này. Người lập di chúc toàn quyền quyết định trong việc giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi phần mà người lập di chúc cho người thừa kế được hưởng mà không phải hỏi ý kiến của người thừa kế.
Người lập di chúc có thể giao nghĩa vụ cho một người mà không cho họ hưởng di sản.Trường hợp này không bắt buộc người được giao nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó.
• Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Việc chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản hoàn toàn theo ý chí tự nguyện của người lập di chúc. Người lập di chúc có thể cử một người vừa giữ di chúc vừa quản lý di sản và phân chia di sản; đồng thời cũng có thể cử nhiều người, mỗi người làm một việc riêng.
Những người được chỉ định có thực hiện hay không tùy thuộc vào ý chí chủ quan của họ.
• Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc
Đây là quyền của người lập di chúc, được pháp luật ghi nhận tại điều 662 BLDS 2005:
“1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.
2. Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
3. Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ.”
Sửa đổi di chúc là hành vi của người lập di chúc thay thế một hoặc nhiều phần trong di chúc đã lập. Phần di chúc mới sẽ có giá trị pháp lý thay thế phần di chúc đã bị sửa đổi; những phần di chúc không bị sửa đổi vẫn có hiệu lực pháp luật mà không bị ảnh hưởng bởi phần bị sửa đổi.
Bổ sung di chúc là hành vi của người lập di chúc thêm vào một số nội dung trong di chúc đã lập. Nếu phần di chúc bổ sung hợp pháp thì cả di chúc đã lập và phần bổ sung đều có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, nếu phần di chúc bổ sung mâu thuẫn với phần di chúc đã lập thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Trường hợp này được coi là sửa đổi di chúc.
BLDS năm 2005 không quy định điều kiện về hình thức của việc sửa đổi, bổ sung di chúc. Tuy nhiên, để tránh việc tẩy xóa, thêm bớt vào di chúc làm giảm tính chính xác và xác thực của di chúc pháp luật cần quy định việc sửa đổi bổ sung di chúc phải được thể hiện bằng văn bản riêng biệt kèm theo di chúc đã lập.
Thay thế di chúc là hành vi của người để lại di sản lập di chúc mới thay thế cho di chúc cũ vì họ cho rằng nội dung của di chúc trước không còn phù hợp với ý chí của họ. Một người lập nhiều di chúc vào các thời điểm khác nhau để định đoạt nhiều tài sản khác nhau mà nội dung của các di chúc này không chồng chéo mâu thuẫn lẫn nhau thì tất cả các di chúc đều có hiệu lực. Ngược lại nếu nội dung trái ngược nhau thì coi là thay thế di chúc, bản di chúc sau có hiệu lực.
Hủy bỏ di chúc là hành vi của người lập di chúc thể hiện ý chí bãi bỏ di chúc đã lập. Trường hợp này được coi như không có di chúc và di sản thừa kế sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. BLDS 2005 không quy định hình thức hủy bỏ di chúc, nhưng dù là hình thức nào chăng nữa, nếu đó là ý chí tự nguyện cuối cùng thì đều được coi là hủy bỏ di chúc.
Ngoài ra, cũng có trường hợp di chúc bị hủy bỏ do nguyên nhân khách quan. Điều 666 BLDS 2005 đã quy định về trường hợp di chúc bị thất lạc, hư hại như sau:
“1. Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.
2. Trong trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.”
Trường hợp đặc biệt của người lập di chúc
Điều 663 BLDS 2005 quy định “vợ chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung.”
Đối chiếu với Luật La Mã cũng như Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp thì thấy họ cũng không thừa nhận quyền lập di chúc chung của vợ – chồng. Tuy vậy, việc lập di chúc chung của vợ – chồng lại được thừa nhận trong tục lệ của ta từ lâu vì quan niệm truyền thống của người Việt Nam vốn rất coi trọng đạo nghĩa vợ – chồng và luôn muốn củng cố tình thương yêu, đoàn kết trong gia đình, nên cũng khuyến khích việc vợ, chồng cùng nhau lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung, và coi đó như là một biểu hiện cao đẹp của sự đoàn kết, yêu thương giữa vợ – chồng.
Tuy nhiên các quy định về di chúc chung của vợ chồng có nhiều điểm bất cập.
+ Thứ nhất, di chúc chung của vợ chồng không đảm bảo được đầy đủ các quy định của BLDS năm 2005 về mặt hình thức. Cụ thể là:
– Đối với di chúc viết tay không có người làm chứng, khi lập di chúc thì người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc. Vậy, nếu một người viết di chúc và người kia chỉ việc ký tên hoặc điểm chỉ thì di chúc đó có hiệu lực pháp luật không? Như vậy, về mặt hình thức di chúc chung của vợ chồng, pháp luật cần phải có sự điều chỉnh cụ thể, rõ ràng hơn chứ không thể áp dụng giống như di chúc của cá nhân. Chỉ nên thừa nhận vợ chồng được lập di chúc chung bằng hình thức văn bản có người làm chứng hoặc có công chứng, chứng thực.
+ Thứ hai, quy định sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ chồng đã xâm phạm tới quyền tự do định đoạt tài sản cá nhân.
Điều 664, khoản 2 BLDS 2005 quy định: “Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của bên kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.” Với quy định này, nếu một bên vợ hoặc chồng vì lý do nào đó mà bắt buộc phải sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung đã lập nhưng không được sự đồng ý của người kia, thì việc sửa đổi, bổ sung đó sẽ không được pháp luật chấp nhận. Quy định này đã xâm phạm quyền tự do định đoạt tài sản của người lập di chúc, xâm phạm tới những lợi ích chính đáng của cá nhân khi cấm họ đưa ra những quyết định cá nhân nhằm bảo đảm lợi ích cho mình.