Hướng dẫn thủ tục xuất khẩu dung môi
Nội dung chính
Hướng dẫn thủ tục xuất khẩu dung môi
1. Về chính sách mặt hàng:
Mặt hàng hoá chất xuất khẩu thực hiện theo các quy định sau:
- Căn cứ Chương 2 Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định về Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu; Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu; Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành của các Bộ, cơ quan ngang Bộ ... theo đó trường hợp Công ty xuất khẩu hàng hóa, nếu thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu thì không được làm thủ tục hải quan, nếu mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương thì Công ty phải xin giấy phép xuất khẩu của Bộ Công Thương trước khi xuất khẩu...
- Danh mục mặt hàng hoá chất cấm xuất khẩu, hoặc xuất khẩu có điều kiện, cần có Giấy phép ... hiện nay được điều chỉnh bởi các văn bản sau:
+ Hoá chất cấm xuất khẩu
a) Hóa chất độc Bảng 1 được quy định trong Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học và Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Nghị định 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học
b) Hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.
+ Hoá chất theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương.
a) Hóa chất và sản phẩm có chứa hóa chất. Hình thức quản lý: thực hiện theo quy định của Luật Hóa chất và các Nghị định quy định chi tiết thi hành.
b) Hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 theo Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học. Hình thức quản lý: thực hiện theo quy định của Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ.
c) Tiền chất sử dụng trong công nghiệp (theo Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành). Hình thức quản lý: Giấy phép xuất khẩu.
d) Tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp. Hình thức quản lý: Giấy phép xuất khẩu.
- Thông tư 01/2006/TT-BCN ngày 11/04/2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Cục Hóa chất- Bộ Công thương) hướng dẫn quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất độc và sản phẩm có hóa chất độc hại, tiền chất ma tuy, hóa chất theo tiêu chuẩn kỹ thuật thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Công nghiệp.
Do mặt hàng hoá chất rất phức tạp, cần phải qua giám định mới biết được thành phần cấu tạo chính xác của hoá chất hoặc Công ty phải có tài liệu phân tích chi tiết để chứng minh. Vì vậy, trước khi làm thủ tục xuất khẩu đề nghị Công ty tham khảo các văn bản hướng dẫn về xuất khẩu hoá chất trên để thực hiện hoặc liên hệ trực tiếp với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn thêm.
* Về hồ sơ, thủ tục: Trường hợp hàng hoá được phép xuất khẩu thì hồ sơ, thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại điều 16 và điều 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
2. Về chính sách thuế GTGT:
Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 9. Thuế suất 0%
1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hoá, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
Hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu là hàng hoá, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hoá, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
a) Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:
- Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả uỷ thác xuất khẩu;
- Hàng hóa bán vào khu phi thuế quan theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hàng bán cho cửa hàng miễn thuế;
- Hàng hoá bán mà điểm giao, nhận hàng hoá ở ngoài Việt Nam;
- Phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam;
- Các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật:
+ Hàng hoá gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hoá với nước ngoài.
+ Hàng hoá xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật.
+ Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.
2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
a) Đối với hàng hoá xuất khẩu:
- Có hợp đồng bán, gia công hàng hoá xuất khẩu; hợp đồng uỷ thác xuất khẩu;
- Có chứng từ thanh toán tiền hàng hoá xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
- Có tờ khai hải quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư này.
Riêng đối với trường hợp hàng hoá bán mà điểm giao, nhận hàng hoá ở ngoài Việt Nam, cơ sở kinh doanh (bên bán) phải có tài liệu chứng minh việc giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam như: hợp đồng mua hàng hóa ký với bên bán hàng hoá ở nước ngoài; hợp đồng bán hàng hoá ký với bên mua hàng; chứng từ chứng minh hàng hóa được giao, nhận ở ngoài Việt Nam như: hóa đơn thương mại theo thông lệ quốc tế, vận đơn, phiếu đóng gói, giấy chứng nhận xuất xứ…; chứng từ thanh toán qua ngân hàng gồm: chứng từ qua ngân hàng của cơ sở kinh doanh thanh toán cho bên bán hàng hóa ở nước ngoài; chứng từ thanh toán qua ngân hàng của bên mua hàng hóa thanh toán cho cơ sở kinh doanh”.
Như vậy, đối với hàng hoá xuất khẩu thuộc đối tượng có thuế suất thuế xuất khẩu là 0% nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
3. Về phương thức vận chuyển hàng hoá xuất khẩu qua Campuchia
Công ty có thể lựa chọn các phương thức vận chuyển hàng hoá xuất khẩu như đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không.