08:53 - 28/09/2024

Động tác bỏ mũ, đặt mũ, đội mũ khi thực hiện điều lệnh đội ngũ trong Công an nhân dân được quy định thế nào?

Động tác bỏ mũ, đặt mũ, đội mũ khi thực hiện điều lệnh đội ngũ trong Công an nhân dân được quy định thế nào? Văn bản nào quy định điều này?

Nội dung chính

    Động tác bỏ mũ, đặt mũ, đội mũ khi thực hiện điều lệnh đội ngũ trong Công an nhân dân được quy định thế nào?

    Động tác bỏ mũ, đặt mũ, đội mũ khi thực hiện điều lệnh đội ngũ trong Công an nhân dân được quy định tại Điều 16 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCA năm 2015 hợp nhất Thông tư quy định về Điều lệnh đội ngũ trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành như sau:

    1. Động tác bỏ mũ

    a) Động tác bỏ mũ kê pi

    - Khẩu lệnh: “BỎ MŨ”;

    - Động tác: Làm 2 cử động

    + Cử động 1: Dùng ngón tay cái đưa quai mũ ra khỏi cằm (nếu đeo quai mũ), tay trái đưa lên nắm phía trước chính giữa lưỡi trai, ngón tay cái bên trong, bốn ngón con khép lại bên ngoài (hình 5a);

    + Cử động 2: Lấy mũ ra khỏi đầu, tay trái đưa xuống, cánh tay trên sát người, cánh tay dưới thăng bằng vuông góc với cánh tay trên, mũ đặt nằm trên cánh tay dưới, Công an hiệu hướng phía trước (hình 5b);

    b) Động tác bỏ mũ cứng

    - Khẩu lệnh: “BỎ MŨ”;

    - Động tác: Làm 2 cử động

    + Cử động 1: Dùng ngón tay cái đưa quai mũ ra khỏi cằm (nếu đeo quai mũ), tay trái đưa lên nắm phía trước chính giữa vành mũ, ngón tay cái bên trong, bốn ngón con khép lại bên ngoài (hình 5c);

    + Cử động 2: Lấy mũ ra khỏi đầu, cánh tay và mũ thẳng dọc theo thân người, Công an hiệu ở phía trên (hình 5d);

    c) Động tác bỏ các loại mũ chuyên dùng: Thực hiện theo quy định riêng.

    2. Động tác đặt mũ

    a) Khẩu lệnh: “ĐẶT MŨ”;

    b) Động tác: Làm 2 cử động

    - Cử động 1: Thực hiện theo Tiểu tiết 1, Tiết 2, Điểm a, Khoản 1 Điều này;

    - Cử động 2: Tay trái lấy mũ ra khỏi đầu, đưa xuống ngang và cách ngực trái 15 cen-ti-mét (cm); tay phải đưa lên nắm bên phải vành mũ, bốn ngón con khép lại đặt dọc chếch về phía trước thành mũ, ngón cái phía trên (đối với mũ kê pi), bốn ngón con bên trong, ngón cái bên ngoài (đối với mũ cứng); tay trái đưa sang nắm bên trái vành mũ như tay phải; người cúi xuống, hai chân hơi chùng, hai tay đặt mũ xuống cách mũi bàn chân trái 20 cen-ti-mét (cm) hoặc đặt trên mặt bàn phía bên trái theo hướng chính diện, Công an hiệu hướng về phía trước, xong trở về tư thế đứng nghiêm hoặc ngồi xuống.

    3. Động tác đội mũ

    a) Động tác đội mũ từ vị trí bỏ mũ

    - Khẩu lệnh: “ĐỘI MŨ”;

    - Động tác:

    + Khi không đeo quai mũ: Tay trái đưa mũ lên đội vào đầu, đội xong về tư thế đứng nghiêm;

    + Khi đeo quai mũ: Đối với mũ kê pi, trước khi đội mũ, tay phải đưa vào trong vành mũ lấy quai mũ ra, kết hợp hai tay đội mũ và đưa quai mũ vào cằm; đối với mũ cứng, đội xong, tay trái đặt lên vành mũ kéo quai xuống, kết hợp hai tay đưa quai mũ vào cằm.

    b) Động tác đội mũ từ vị trí đặt mũ

    - Khẩu lệnh: “ĐỘI MŨ”;

    - Động tác: Làm 2 cử động

    + Cử động 1: Người cúi xuống, tay phải nắm vành mũ bên phải, tay trái nắm vành mũ bên trái, bốn ngón con phía dưới, ngón cái phía trên (đối với mũ kê pi), bốn ngón con bên trong, ngón cái bên ngoài (đối với mũ cứng); đứng lên, hai tay nâng mũ ngang sườn phía trước, bên trái, cách thân người 20 cen-ti-mét (cm);

    + Cử động 2: Tay trái đưa lên nắm phía trước chính giữa lưỡi trai (đối với mũ kê pi), hoặc vành mũ (đối với mũ cứng), ngón tay cái bên trong, bốn ngón con khép lại bên ngoài, tay phải rời vành mũ, tay trái đưa mũ lên đội vào đầu, đội xong về tư thế đứng nghiêm.

    Khi đeo quai mũ, thực hiện theo quy định tại tiểu tiết 2, tiết 2, điểm a, khoản 3 Điều này.

    Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về động tác bỏ mũ, đặt mũ, đội mũ khi thực hiện điều lệnh đội ngũ trong Công an nhân dân. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCA.

    90