Đơn đề nghị cơ quan chức năng giải quyết tai nạn giao thông
Nội dung chính
Tôi có người em. Vào ngày 23 tháng 11 năm 2014, hai vợ chồng em tôi đi đang lưu thông bằng xe mô tô trên quốc lộ 1, đến đoạn cầu Ông Chết thuộc thị xã An Nhơn tỉnh Bình Định thì bị xe tải lưu thông cùng chiều va chạm từ phía sau đến xe của em tôi (vị trí xảy ra va chạm thuộc phần đường dành cho xe mô tô). Hậu quả làm vợ của em tôi tử vong sau khi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình định, em tôi phải điều trị một thời gian, xe mô tô bị hư hỏng nặng. Đến ngày 27/11/2014 Công an huyện An nhơn đã mời hai bên đương sự đến lập biên bản, lập hiện trường vụ tại nạn. Vậy nay em tôi muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết vụ việc.
Đơn đề nghị cơ quan chức năng giải quyết tai nạn giao thông
1. Vụ việc tai nạn giao thông với vợ chồng em bạn thuộc thẩm quyền giải quyết ban đầu là của đội cảnh sát giao thông, công an thị xã An Nhơn (nơi xảy ra tai nạn), sau khi hoàn tất hồ sơ, đủ căn cứ xử lý hình sự thì sẽ chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra, công an thị xã An Nhơn để xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự. Theo thông tin bạn nêu thì lái xe đâm vào xe máy từ phía sau gây tai nạn tử vong 1 người và 1 người bị thương tích... như vậy là hậu quả nghiêm trọng và có dấu hiệu hình sự theo quy định tại Điều 202 Bộ Luật Hình sự 1999.
2. Nếu công an giao thông chưa vào cuộc thì gia đình bạn có thể gửi đơn trực tiếp tới cơ quan này hoặc cơ quan điều tra để được xem xét giải quyết. Thời hạn xác minh nguồn tin là 20 ngày, nếu vụ việc phức tạp thì không quá 2 tháng thì cơ quan công an phải có kết luận về vụ việc có xử lý hình sự hay không . Nếu không đồng ý với quyết định đó thì gia đình bạn có thể khiếu nại đến thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp.
3. Ngoài ra, gia đình em bạn còn được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 609 và Điều 610 Bộ luật dân sự năm 2005, cụ thể như sau:
"Điều [Anchor] 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Điều [Anchor] 610. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định."