11:51 - 30/09/2024

Điều dưỡng viên gây mê - hồi sức tại bộ phận phẫu thuật có nhiệm vụ gì?

Nhiệm vụ của điều dưỡng viên gây mê - hồi sức tại bộ phận phẫu thuật  được quy định như thế nào? Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Trong quá trình công tác, tôi có tìm hiểu thêm về tổ chức và hoạt động của các cơ sở y tế, trong đó có khoa gây mê - hồi sức. Qua một số tài liệu, tôi được biết, hiện nay, khoa gây mê - hồi sức được tổ chức thành nhiều bộ phận khác nhau. Cho tôi hỏi, điều dưỡng viên gây mê - hồi sức tại bộ phận phẫu thuật đảm nhận nhiệm vụ gì? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm thông tin tại đâu?

Nội dung chính

    Ngày 20/8/2012, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 13/2012/TT-BYT hướng dẫn công tác gây mê - hồi sức. Thông tư này hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị và hoạt động gây mê - hồi sức trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện phẫu thuật, thủ thuật có gây mê - hồi sức.

    Theo đó, nhiệm vụ của điều dưỡng viên gây mê - hồi sức tại bộ phận phẫu thuật là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư 13/2012/TT-BYT. Cụ thể như sau:

    Nhiệm vụ và quyền hạn điều dưỡng Gây mê - Hồi sức và hộ lý được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2011/TT-BYT ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Bộ Y tế hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện; Quyết định số 41/2005/QĐ-BNV ngày 22 tháng 4 năm 2005 của Bộ Nội vụ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức y tế, điều dưỡng; Thông tư số 23/2009/TT-BYT ngày 01 tháng 12 năm 2009 của Bộ Y tế Ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức kỹ thuật y học. Ngoài ra, điều dưỡng viên gây mê - hồi sức tại bộ phận phẫu thuật có một số nhiệm vụ và quyền hạn đặc thù cụ thể là:

    a) Điều dưỡng viên gây mê - hồi sức được thực hiện một số nhiệm vụ của bác sỹ gây mê - hồi sức nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện, phù hợp với khả năng chuyên môn, được sự chấp nhận và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở đề nghị của trưởng khoa. Điều dưỡng viên gây mê - hồi sức chỉ thực hiện một số nhiệm vụ của bác sỹ gây mê - hồi sức khi ở khoa chưa có bác sỹ gây mê - hồi sức.

    b) Chịu sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn của bác sỹ gây mê - hồi sức;

    c) Thông báo cho bác sỹ gây mê - hồi sức và điều dưỡng viên trưởng của khoa khi có vấn đề cần giải quyết;

    d) Chuẩn bị thuốc, phương tiện gây mê - hồi sức, kiểm tra tên, tuổi người bệnh và vị trí phẫu thuật, lập đường truyền ngoại vi, lấy máu xét nghiệm, kiểm tra nhóm máu, theo dõi người bệnh, ghi chép theo biểu mẫu gây mê - hồi sức và các tài liệu khác liên quan đến trường hợp phẫu thuật, thủ thuật;

    đ) Kiểm tra trước khi truyền máu và chế phẩm máu theo quy định tại Quy chế truyền máu ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-BYT ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế;

    e) Trong trường hợp cấp cứu mà không có hoặc chưa có bác sỹ gây mê - hồi sức, điều dưỡng viên gây mê - hồi sức phải thực hiện ngay các biện pháp hồi sức cần thiết, đồng thời nhanh chóng yêu cầu bác sĩ và đồng nghiệp hỗ trợ;

    g) Thực hiện y lệnh trực tiếp và ghi chép lại đầy đủ vào hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu của bác sỹ trong cuộc phẫu thuật;

    h) Mỗi điều dưỡng viên gây mê - hồi sức chỉ được phụ giúp một bàn mổ trong cùng một thời điểm hoặc phụ giúp thêm 01 bàn mổ khác trong trường hợp thiếu nhân lực và phải được bác sỹ gây mê - hồi sức cùng kíp phẫu thuật, thủ thuật cho phép.

    Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ của điều dưỡng viên gây mê - hồi sức tại bộ phận phẫu thuật. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 13/2012/TT-BYT.

    Trân trọng!

    38