Đất quốc phòng có được chuyển nhượng hay không?
Nội dung chính
Đất quốc phòng có được chuyển nhượng hay không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 148 Luật đất đai 2013 quy định về đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh như sau:
1. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh bao gồm đất sử dụng vào các mục đích quy định tại Điều 61 của Luật này.
Theo đó Điều 61 Luật trên quy định về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh như sau:
Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh trong các trường hợp sau đây:
1. Làm nơi đóng quân, trụ sở làm việc;
2. Xây dựng căn cứ quân sự;
3. Xây dựng công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh;
4. Xây dựng ga, cảng quân sự;
5. Xây dựng công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh;
6. Xây dựng kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân;
7. Làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí;
8. Xây dựng cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân;
9. Xây dựng nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân;
10. Xây dựng cơ sở giam giữ, cơ sở giáo dục do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.
Căn cứ quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 6 Nghị quyết 132/2020/QH14 quy định về quyền, nghĩa vụ của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế như sau:
1. Được sử dụng đất quốc phòng, an ninh và tài sản gắn liền với đất để thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo đúng phương án đã được phê duyệt.
2. Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
3. Không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chấm dứt phương án sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
4. Nộp tiền sử dụng đất hằng năm theo quy định tại Nghị quyết này.
5. Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.
6. Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.
Theo đó, đất quốc phòng phải được sử dụng đúng mục đích đã được phê duyệt, đồng thời, không được phép chuyển nhượng. Như vậy, bạn không thể mua bán, chuyển nhượng đất quốc phòng.
Trách nhiệm của Bộ trưởng BQP, Bộ trưởng BCA trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế
Căn cứ Điều 5 Nghị quyết trên quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế như sau:
1. Trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
2. Quyết định phê duyệt hoặc chấm dứt phương án sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; phương án xử lý dự án, hợp đồng thuê đất hoặc hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
3. Tổ chức việc rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, bảo đảm quỹ đất dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và thực hiện theo quy định sau đây:
a) Đối với khu đất có giá trị kinh tế lớn không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất để phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Khu đất có giá trị kinh tế lớn quy định tại điểm này là khu đất có giá trị từ 500 tỷ đồng trở lên tính theo giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo mục đích sử dụng thể hiện trong quy hoạch đã được phê duyệt;
b) Đối với khu đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội và quản lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
4. Tổ chức lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo quy định của pháp luật.
5. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt theo quy định của pháp luật.
6. Tổ chức thu, nộp vào ngân sách nhà nước các khoản tiền sau đây:
a) Tiền sử dụng đất hằng năm khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế quy định tại Nghị quyết này;
b) Tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;
c) Tiền thu khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp quân đội, công an theo quy định của pháp luật.
7. Tổ chức lập dự toán chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, giải quyết tồn đọng, chế độ, chính sách đối với các đối tượng khi thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội, công an từ nguồn thu quy định tại khoản 6 Điều này theo trình tự, thủ tục quy định tại pháp luật về ngân sách nhà nước.
Trân trọng!