Chức năng của nhà nước là gì? Phân loại chức năng của nhà nước? Nội dung giáo dục pháp luật ở cấp đại học là gì?
Nội dung chính
Chức năng của nhà nước là gì? Phân loại chức năng của nhà nước?
Về khái niệm chức năng của nhà nước. Có thể hiểu chức năng của nhà nước là những mặt (hay phương diện) hoạt động cơ bản của nhà nước thể hiện bản chất của nhà nước và nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nhà nước trong các giai đoạn phát triển cụ thể.
- Nhiệm vụ của nhà nước là những mục tiêu nhà nước cần đạt tới, vấn đề đặt ra nhà nước cần giải quyết.
- Mục tiêu: những kết quả cần đạt được xác định trước, thể hiện ý chí chủ quan của con người.
- Vấn đề khách quan đặt ra cần được nhà nước giải quyết không phụ thuộc vào ý chí, mong muốn của con người.
- Nhiệm vụ được phân loại thành nhiệm vụ chung, nhiệm vụ cụ thể; nhiệm vụ cơ bản lâu dài, nhiệm vụ trước mắt…
Về phân loại chức năng của nhà nước như sau:
- Căn cứ vào tính chất pháp lý của việc thực hiện quyền lực nhà nước, chia thành chức năng lập pháp, chức năng hành pháp và chức năng tư pháp.
- Căn cứ vào vị trí vai trò từng hoạt động của nhà nước, phân loại thành chức năng cơ bản và chức năng không cơ bản.
- Căn cứ vào thời gian hoạt động, chia thành chức năng lâu dài và chức năng tạm thời (trước mắt).
- Căn cứ vào lĩnh vực hoạt động của nhà nước chia thành, chức năng kinh tế, chức năng xã hội…
- Căn cứ vào phạm vi hoạt động chủ yếu của nhà nước chia thành chức năng đối nội và chức năng đối ngoại.
Luu ý: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo!
Chức năng của nhà nước là gì? Phân loại chức năng của nhà nước? Nội dung giáo dục pháp luật ở cấp đại học là gì? (Hình từ Internet)
Nội dung giáo dục pháp luật ở cấp đại học là gì?
Tại Điều 23 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 có quy định như sau:
Nội dung giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân
1. Nội dung giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được xây dựng phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, phù hợp với mục tiêu giáo dục, ngành nghề đào tạo, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phổ thông, cơ bản, thiết thực và có hệ thống.
2. Nội dung giáo dục pháp luật đối với từng cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân được quy định như sau:
a) Nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục mầm non và tiểu học được lồng ghép thông qua nội dung giáo dục đạo đức, hình thành thói quen phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội, ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tinh thần tự giác, tạo tiền đề hình thành ý thức pháp luật;
b) Nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông trang bị kiến thức ban đầu về quyền, nghĩa vụ của công dân, rèn luyện thói quen, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật;
c) Nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trang bị kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, kiến thức pháp luật liên quan đến ngành, nghề đào tạo.
Theo đó, nội dung giáo dục pháp luật ở cấp đại học là trang bị kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, kiến thức pháp luật liên quan đến ngành, nghề đào tạo.
Có các hình thức giáo dục pháp luật nào?
Theo Điều 11 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 các hình thức giáo dục pháp luật bao gồm:
- Họp báo, thông cáo báo chí.
- Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật.
- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư.
- Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật.
- Thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở.
- Lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở.
- Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
- Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả.