11:06 - 27/09/2024

Chủ thể và đối tượng của kiểm tra, giám sát đảng là gì?

Tôi là đảng viên, tôi có thắc mắc về chủ thể và đối tượng của kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng là gì? Không biết có văn bản nào quy định về vấn đề này không?

Nội dung chính

    1. Chủ thể kiểm tra, giám sát của Đảng

    Chủ thể kiểm tra, giám sát gồm: Chi bộ, đảng ủy bộ phận, ban thường vụ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; ủy ban kiểm tra; các ban đảng, văn phòng cấp ủy (gọi chung là các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy); ban cán sự đảng, đảng đoàn (là chủ thể kiểm tra).

    Chủ thể kiểm tra, giám sát khi thực hiện nhiệm vụ phải thẩm tra, xác minh, phân tích, đánh giá, làm rõ kết quả đạt được, khuyết điểm, hạn chế, tồn tại, vi phạm (nếu có); nguyên nhân của khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, vi phạm (nếu có) và kết luận đối với tổ chức đảng, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, kể cả nhiệm vụ cấp trên giao.

    2. Đối tượng của kiểm tra, giám sát của Đảng

    Đối tượng kiểm tra, giám sát gồm: Chi ủy, chi bộ, đảng ủy bộ phận, ban thường vụ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; ủy ban kiểm tra; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; ban cán sự đảng, đảng đoàn; đảng viên.

    Quyền và trách nhiệm của đối tượng kiểm tra, giám sát:

    - Chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng về kiểm tra, giám sát, các quyết định, kết luận, yêu cầu của chủ thể kiểm tra, giám sát; báo cáo, giải trình đầy đủ, trung thực về các nội dung được yêu cầu.

    - Không để lộ nội dung kiểm tra, giám sát cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết; không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thu phát sóng khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát.

    - Được sử dụng bằng chứng có liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát để báo cáo, giải trình; bảo lưu ý kiến và đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét lại nhận xét, đánh giá, kết luận, quyết định đối với mình hoặc việc thực hiện nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nội dung, yêu cầu, trách nhiệm, thẩm quyền của chủ thể kiểm tra, giám sát.

    3. Cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác kiểm tra, giám sát

    1. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát

    1.1. Chủ thể: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp.

    1.2. Nội dung

    a) Triển khai, quán triệt Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng, của cấp ủy cấp trên và cấp mình về công tác kiểm tra, giám sát.

    b) Lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên chấp hành pháp luật của Nhà nước.

    c) Xây dựng và chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cùng cấp và cấp ủy cấp dưới xây dựng phương hướng, nhiệm vụ; phân công cấp ủy viên, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cùng cấp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Chỉ đạo, đôn đốc cấp ủy cấp dưới thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát.

    d) Ban hành các văn bản theo thẩm quyền để các tổ chức đảng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng và để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân tham gia giám sát, phản biện.

    đ) Ban hành và chỉ đạo thực hiện các quy định phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với ban cán sự đảng, đảng đoàn hoặc các cơ quan liên quan.

    e) Nghe báo cáo và chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; giải quyết kiến nghị của tổ chức đảng cấp dưới; định kỳ sơ kết, tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

    g) Chỉ đạo về tổ chức, hoạt động của ủy ban kiểm tra, cơ quan ủy ban kiểm tra, về xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra.

    h) Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

    i) Đề xuất với cấp có thẩm quyền về những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành các văn bản về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

    2. Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra

    2.1. Chủ thể kiểm tra: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp.

    2.2. Đối tượng kiểm tra

    2.2.1. Tổ chức đảng thuộc phạm vi quản lý, trước hết là tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp.

    2.2.2. Đảng viên thuộc phạm vi quản lý, trước hết là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy cấp mình quản lý, cán bộ giữ cương vị chủ chốt hoặc được giao các nhiệm vụ quan trọng.

    2.3. Nội dung kiểm tra

    2.3.1. Đối với tổ chức đảng

    a) Việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

    b) Việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng.

    c) Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; quản lý, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên.

    d) Việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

    đ) Việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

    e) Việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, nâng ngạch, bố trí, sử dụng, giới thiệu ứng cử, bầu cử, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, thực hiện chính sách cán bộ.

    g) Việc lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

    2.3.2. Đối với đảng viên: Tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.

    2.4. Thẩm quyền và trách nhiệm

    2.4.1. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng và tình hình thực tế để xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, xác định rõ nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp tiến hành, tổ chức thành phần đoàn kiểm tra.

    2.4.2. Yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu theo nội dung kiểm tra và phải giữ bí mật thông tin, tài liệu.

    2.4.3. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy trực tiếp kiểm tra hoặc giao ủy ban kiểm tra tiến hành kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên; xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật; quyết định bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thu hồi các văn bản trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

    2.4.4. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền giám định chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến nội dung kiểm tra.

    3. Thực hiện nhiệm vụ giám sát

    3.1. Chủ thể giám sát: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp.

    3.2. Đối tượng giám sát: Tổ chức đảng, đảng viên thuộc phạm vi quản lý.

    3.3. Nội dung giám sát

    3.3.1. Đối với tổ chức đảng: Như nội dung kiểm tra của cấp ủy tại Điểm 2.3.1, Khoản 2, Điều 4.

    3.3.2. Đối với đảng viên: Tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.

    3.4. Thẩm quyền và trách nhiệm

    3.4.1. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp căn cứ yêu cầu nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng và tình hình thực tế để xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, xác định rõ nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp tiến hành, tổ chức thành phần đoàn giám sát.

    3.4.2. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy phân công cấp ủy viên, ủy ban kiểm tra và các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy thực hiện việc giám sát.

    3.4.3. Cấp ủy viên khi thực hiện nhiệm vụ giám sát được yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu, văn bản theo nội dung giám sát và chịu trách nhiệm về các nội dung, thông tin, tài liệu giám sát; có trách nhiệm báo cáo kết quả giám sát bằng văn bản cho ban thường vụ hoặc cho cấp ủy.

    3.4.4. Qua giám sát, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy nhận xét, đánh giá về ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân; rút kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, về tổ chức thực hiện; bổ sung, sửa đổi những vấn đề cần thiết; cử cấp ủy viên trực tiếp chỉ đạo, giám sát tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên sửa chữa, khắc phục yếu kém, khuyết điểm, vi phạm.

    3.4.5. Nếu phát hiện tổ chức đảng hoặc đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì kiểm tra hoặc giao ủy ban kiểm tra tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

    3.4.6. Nếu phát hiện đối tượng giám sát không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc ban hành các văn bản trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì quyết định bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thu hồi các văn bản trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

    4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định

    4.1. Thi hành kỷ luật trong Đảng, giải quyết tố cáo, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy của cấp ủy viên và đình chỉ hoạt động của tổ chức đảng theo thẩm quyền.

    4.2. Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên ở lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, quan trọng hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.

    Căn cứ pháp lý: Quy định 22-QĐ/TW năm 2021.

    Trân trọng!

    44