Chậm phát triển trí tuệ thì có phải là người khuyết tật?
Tôi hiện tại là giáo viên lớp 1 của trường Tiểu học G. Chị tôi là mẹ đơn thân và có một bé trai năm nay 5 tuổi. Chị có thuê vú em để trông bé còn cuối tuần thì là tôi sang để trông và bày bé tập đọc tập viết. Thì trong quá trình bày bé tôi thấy tốc độ tiếp thu của bé so với những bạn cùng trang lứa là bị chậm hơn và tư duy của bé tuy là 5 tuổi nhưng nó giống như tư duy của một đứa bé 3 tuổi vậy. Có lẽ là do thời gian tiếp xúc với bé trong một ngày của chị tôi quá ít nên chị không thể nắm bắt được con mình đang phát triển tới đâu. Có thể cho tôi hỏi là chậm phát triển trí tuệ thì có phải là người khuyết tật không ạ? Tôi thì thương bé nên muốn xác định có phải không để có thể mang lại những quyền lợi tốt nhất cho bé.
Nội dung chính
Chậm phát triển trí tuệ thì có phải là người khuyết tật?
Căn cứ Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP có quy định các dạng tật như sau:
1. Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
2. Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
3. Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.
4. Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
5. Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.
6. Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp được quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
Như vậy, theo quy định trên chậm phát triển trí tuệ được coi là người khuyết tật. Trường hợp của bạn thì bạn nên đưa bé đi giám định để biết được mức độ khuyết tật của bé là nằm ở mức nào.
Mức độ khuyết tật được xác định như nào?
Theo Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP mực độ khuyết tật được xác định như sau:
1. Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
2. Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
3. Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Trân trọng!