Cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông có gì khác nhau?
Nội dung chính
Cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông có gì khác nhau?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT thì thanh tra giao thông được dừng phương tiện đường bộ khi phát hiện phương tiện có các dấu hiệu theo quy định sau đây:
- Vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ;
- Vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ;
- Xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định;
- Đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.
Nghĩa là ngoài 4 trường hợp trên, thanh tra giao thông chỉ được dừng xe khi có cảnh sát giao thông hoặc lực lượng công an khác.
Tuy nhiên theo quy định tại Chỉ thị 11/CT-BGTVT năm 2014 thì trong trường hợp lực lượng Công an chưa bố trí đủ nhân lực hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường lực lượng Thanh tra Sở hoạt động 24h trong ngày và 7 ngày trong tuần, thực hiện việc dừng xe, lập biên bản vi phạm, xử phạt theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm.
Tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA thì cán bộ cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
- Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Theo đó, cả thanh tra giao thông và CSGT đều có quyền dừng xe đang lưu thông để xử phạt.
Do đó thanh tra giao thông chỉ được dừng xe để kiểm tra hành chính trong các trường hợp phát hiện hành vi vi phạm hành chính xâm hại đến công trình đường bộ (chở quá trọng tải, dừng đỗ trái phép gây cản trở giao thông...) đã nêu trên.
Còn CSGT có quyền dừng xe để kiểm tra hành chính trong các trường hợp phát hiện hành vi vi phạm hành chính xâm hại đến trật tự an toàn giao thông (vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ...).