08:24 - 12/09/2024

Các hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật theo Quy định 178-QĐ/TW năm 2024?

Các hành vi nào là hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật? Các biện pháp nào nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật?

Nội dung chính

    Các hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật theo Quy định 178-QĐ/TW năm 2024?

    Căn cứ Điều 5 Quy định 178-QĐ/TW năm 2024 quy định 06 hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật như sau:

    [1] Cố ý chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ

    Cố ý trì hoãn việc đình chỉ, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật vì mục đích lợi ích nhóm, cục bộ.

    [2] Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc các lợi ích khác dưới mọi hình thức để ban hành hoặc tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ.

    [3] Đưa hối lộ, môi giới hối lộ cho người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ.

    [4] Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật để định hướng truyền thông không bảo đảm khách quan và không đúng sự thật về nội dung chính sách trong công tác xây dựng pháp luật vì vụ lợi.

    [5] Lạm quyền, câu kết với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác để trục lợi trong công tác xây dựng pháp luật.

    [6] Các hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ khác trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

    Các hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật theo Quy định 178-QĐ/TW năm 2024? (Hình từ Internet)

    Các biện pháp nào nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật?

    Căn cứ khoản 2 Điều 4 Quy định 178-QĐ/TW năm 2024 quy định các biện pháp nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật được quy định như sau:

    - Thực hiện các hoạt động kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật sau:

    + Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật.

    + Hoạt động kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông qua việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong công tác xây dựng pháp luật.

    + Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân.

    + Hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật.

    + Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức xã hội khác, cơ quan báo chí và Nhân dân.

    + Hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong công tác xây dựng pháp luật.

    - Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ, bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi.

    - Thường xuyên giám sát, kiểm tra công tác xây dựng pháp luật, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật để phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật và kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật

    - Tiếp tục hoàn thiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định có liên quan

    - Cụ thể hoá về đối tượng, phương thức tham gia phản biện, góp ý kiến xây dựng pháp luật.

    - Thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

    - Thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức; trách nhiệm giải trình; kiểm soát xung đột lợi ích

    - Thực hiện quy tắc ứng xử; ứng dụng khoa học - công nghệ và các biện pháp phòng ngừa tham nhũng khác trong cơ quan, tổ chức theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

    - Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật bằng các biện pháp kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

    - Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xây dựng pháp luật; xây dựng tổ chức bộ máy, bố trí kinh phí phù hợp cho công tác xây dựng pháp luật.

    Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tham mưu, đề xuất trong công tác xây dựng pháp luật có trách nhiệm như thế nào?

    Căn cứ Điều 11 Quy định 178-QĐ/TW năm 2024 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật:

    Trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức 

    1. Trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tham mưu, đề xuất trong công tác xây dựng pháp luật: 

    a) Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật. 

    ...

    Như vậy, Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tham mưu, đề xuất trong công tác xây dựng pháp luật có trách nhiệm như sau:

    - Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật.

    - Nắm vững chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tình hình thực tiễn về các vấn đề có liên quan đến chính sách mà mình tham mưu, đề xuất. Bảo đảm khách quan, minh bạch, công tâm, kịp thời, chính xác, thận trọng, chặt chẽ trong tham mưu, đề xuất về công tác xây dựng pháp luật.

    - Chịu trách nhiệm về nội dung tham mưu, đề xuất và được bảo lưu ý kiến trong công tác xây dựng pháp luật.

    - Kịp thời báo cáo lãnh đạo xử lý trong trường hợp còn ý kiến khác nhau và biết có xung đột lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật.

    - Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

    7