Các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng được quy định như thế nào?
Các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng được hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, theo đó:
Điều 9. Các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng
1. Quy định khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh.
2. Phân luồng giao thông, cấm hoặc hạn chế người và phương tiện giao thông ra, vào những khu vực nhất định.
3. Khi xảy ra tình trạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng thì tuỳ theo tình hình cụ thể, cơ quan chức năng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp sau đây để ổn định tình hình, bảo đảm trật tự công cộng và xử lý người vi phạm:
a) Thuyết phục, yêu cầu mọi người chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng và chấm dứt ngay hành vi vi phạm;
b) Đặt rào cản, chốt giữ các nút giao thông;
c) Tạm đình chỉ hoạt động của các phương tiện giao thông;
d) Kiểm tra giấy tờ tuỳ thân; khám người, phương tiện; tạm giữ người, phương tiện vi phạm; thu giữ vũ khí và các vật dụng nguy hiểm theo quy định của pháp luật;
đ) Cưỡng chế người có hành vi vi phạm rời khỏi địa điểm tập trung đông người trái pháp luật;
e) Sử dụng công cụ hỗ trợ và các công cụ, phương tiện khác để bảo đảm trật tự công cộng;
g) Trưng dụng tạm thời phương tiện, cơ sở vật chất của cơ quan, tổ chức và công dân theo quy định của pháp luật để phục vụ cho các biện pháp cấp bách nhằm lập lại trật tự công cộng.
h) Các biện pháp khác do pháp luật quy định.
4. Bộ Công an hướng dẫn chi tiết thi hành việc áp dụng các biện pháp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Mục 9 Thông tư 09/2005/TT-BCA ,cụ thể:
9. Về các biện pháp bảo dảm trật tự công cộng.
9.1. Căn cứ vào yêu cầu cụ thể của việc bảo đảm trật tự công cộng, theo đề nghị của Giám đốc Công an, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định các khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; cấm hoặc hạn chế người và phương tiện giao thông trên một số tuyến đường hoặc ra, vào những khu vực nhất định.
Trong trường hợp chưa có quy định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, nhưng do yêu cầu khẩn cấp của việc bảo đảm trật tự công cộng thì Trưởng Công an cấp huyện phải báo cáo ngay với Giám đốc Công an cấp tỉnh để quyết định thiết lập các khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; tạm thời cấm hoặc hạn chế người và phương tiện giao thông trên một số tuyến đường hoặc ra, vào những khu vực nhất định. Sau đó phải báo cáo ngay với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp để xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
9.2. Khi xảy ra hoạt động tập trung đông người trái phép, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo trật tự công cộng và xử lý người vi phạm. Trường hợp cần thiết, phải báo cáo ngay với cấp trên trực tiếp để xin ý kiến chỉ đạo.
9.3. Đối với trường hợp tổ chức tập trung đông người trái phép để đưa ra yêu cầu hoặc kiến nghị về vấn đề nào đó, nhưng diễn ra có trật tự thì đại diện chính quyền, đại diện cơ quan chức năng có liên quan, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự công cộng phải giải thích, hướng dẫn để mọi người tự giải tán và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, về bảo đảm trật tự công cộng.
Trường hợp đã hướng dẫn, giáo dục, thuyết phục và yêu cầu giải tán, nhưng người vi phạm vẫn không chấp hành hoặc có hành vi gây rối trật tự công cộng thì tiến hành lập biên bản, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, nếu vẫn cố tình không chấp hành hoặc có hành vi chống người thi hành công vụ thì tiến hành kiểm tra giấy tờ tuỳ thân, khám người, khám phương tiện, tạm giữ người, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và áp dụng các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo trật tự công cộng và xử lý người vi phạm. Nếu phát hiện người vi phạm có mang theo vũ khí hoặc các vật dụng nguy hiểm khác thì phải thu giữ ngay.
Trường hợp có đối tượng vi phạm là người của tỉnh khác thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra hoạt động tập trung đông người trái phép có trách nhiệm thông báo cho Uỷ ban nhân dân cùng cấp nơi cư trú của người có hành vi vi phạm để phối hợp giải quyết. Khi nhận được thông báo, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú của người có hành vi vi phạm đó phải cử người đến ngay để tổ chức buộc người vi phạm của địa phương mình trở về nơi cư trú.
9.4. Đối với những trường hợp hoạt động tập trung đông người trái phép có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ hoặc các vận dụng nguy hiểm khác nhằm chống lại chính quyền nhân dân, chống đối, tấn công người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc có hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng khác về bảo đảm trật tự công cộng thì tuỳ trường hợp cụ thể, các lực lượng chức năng phải chủ động áp dụng ngay các biện pháp và sử dụng các phương tiện, công cụ hỗ trợ cần thiết theo quy định của pháp luật, như: đặt rào cản, tạm thời đình chỉ hoặc cấm người và phương tiện giao thông trên một số tuyến đường hoặc ra, vào những khu vực nhất định, sử dụng công cụ hỗ trợ và các công cụ, phương tiện khác để phòng vệ chính đáng, kịp thời ngăn chặn, vô hiệu hoá các hành vi chống đối của người vi phạm.
9.5. Trong khi thi hành nhiệm vụ, các lực lượng chức năng có quyền sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các công cụ, phương tiện khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần thiết, có quyền trưng dụng tạm thời phương tiện và người sử dụng, điều khiển các phương tiện đó của cơ quan, tổ chức và công dân theo quy định của pháp luật để phục vụ cho việc bảo đảm trật tự công cộng. Sau khi sử dụng xong phải trả ngay cho chủ sở hữu; nếu làm mất hoặc hư hỏng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, được quy định tại Nghị định 38/2005/NĐ-CP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!