Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định biện pháp bảo đảm trật tự công cộng

Số hiệu 38/2005/NĐ-CP
Ngày ban hành 18/03/2005
Ngày có hiệu lực 08/04/2005
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2005

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 38/2005/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 3 NĂM 2005 QUY ĐỊNH MỘT SỐ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

CHÍNH PHỦ

Để giữ gìn trật tự công cộng, góp phần bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân theo quy định của pháp luật;
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm trật tự công cộng.

Điều 2. Trách nhiệm bảo đảm trật tự công cộng

1. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng; tôn trọng các quy tắc chung của cuộc sống xã hội; phát hiện, tố cáo mọi hành vi vi phạm pháp luật về trật tự công cộng hoặc xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân; tham gia, hỗ trợ các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về trật tự công cộng.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài cư trú và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến bảo đảm trật tự công cộng.

Điều 3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự công cộng

1. Cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục thành viên và người thuộc cơ quan, tổ chức, địa phương mình ý thức tuân theo pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và các quy chế dân chủ trong từng lĩnh vực công tác; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân, điều kiện gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng.

2. Cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng, về khiếu nại, tố cáo, về quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc bảo đảm trật tự công cộng để mọi người biết và tự giác chấp hành.

Điều 4. Giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng

1. Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng của tổ chức và cá nhân.

2. Thủ trưởng cơ quan nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi quản lý của mình, có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng; kịp thời có biện pháp ngăn chặn, giáo dục và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng.

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng các quyền tự do dân chủ của công dân để thực hiện hoặc lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người nhằm gây rối trật tự công cộng hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

2. Tập trung đông người trái với quy định của pháp luật ở lòng đường, vỉa hè, trước trụ sở cơ quan, tổ chức, tại khu vực đang diễn ra các hội nghị quốc tế, kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc các hoạt động chính trị quan trọng khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoặc nơi công cộng khác.

3. Tiến hành các hoạt động quy định tại Điều 7 Nghị định này mà không được phép của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

4. Gây cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, của cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoặc cản trở, chống người thi hành công vụ.

5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dung túng, bao che hoặc xử lý không nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng.

6. Các hành vi khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng, cuộc sống bình thường của nhân dân hoặc trái với thuần phong mỹ tục, nếp sống văn minh nơi công cộng.

Điều 6. Nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng

1. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

2. Việc xử lý vi phạm pháp luật về trật tự công cộng phải thực hiện theo đúng quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết khác có liên quan để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp.

[...]