Bộ Tư pháp đề xuất tiêu chuẩn chức danh công chứng viên? Ai không được bổ nhiệm làm công chứng viên?
Nội dung chính
Bộ Tư pháp đề xuất tiêu chuẩn chức danh công chứng viên?
Tại dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ nghiệp vụ và hỗ trợ pháp lý trong lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản và trợ giúp pháp lý tại đây có đề xuất tiêu chuẩn chức danh công chứng viên như sau:
(1) Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp:
- Thực hiện theo các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của viên chức Ngành Tư pháp.
- Thực hiện theo các quy định, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.
(2) Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
- Có bằng cử nhân luật.
- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng.
- Có giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.
(3) Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
- Có khả năng vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công chứng.
- Có năng lực hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ về công chứng.
- Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, thuyết phục, tổ chức triển khai công việc và giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý các tình huống thuộc lĩnh vực công chứng.
- Có kỹ năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ công chứng.
Ai được miễn đào tạo nghề công chứng?
Tại Điều 10 Luật Công chứng 2014 có quy định các đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng như sau:
- Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên
- Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên
- Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật
- Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
Tuy nhiên, người được miễn đào tạo nghề công chứng quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Công chứng 2014 phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trong vòng 03 tháng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.
Bộ Tư pháp đề xuất tiêu chuẩn chức danh công chứng viên? (Hình từ Internet)
Ai không được bổ nhiệm làm công chứng viên?
Tại Điều 13 Luật Công chứng 2014 có quy định các đối tượng không được bổ nhiệm làm công chứng viên bao gồm:
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích hoặc về tội phạm do cố ý.
- Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Cán bộ bị kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, công chức, viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân, viên chức trong đơn vị thuộc Công an nhân dân bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu Công an nhân dân hoặc đưa ra khỏi ngành.
- Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách của Đoàn luật sư, người bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có hiệu lực hoặc kể từ ngày chấp hành xong quyết định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư.
Khi nào công chứng viên bị miễn nhiệm?
Tại khoản 2 Điều 15 Luật Công chứng 2014 có quy định công chứng viên bị miễn nhiệm khi:
(1) Không còn đủ tiêu chuẩn công chứng viên theo quy định;
(2) Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
(3) Kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác;
(4) Không hành nghề công chứng trong thời hạn 02 năm kể từ ngày được bổ nhiệm công chứng viên hoặc không hành nghề công chứng liên tục từ 12 tháng trở lên;
(5) Hết thời hạn tạm đình chỉ hành nghề công chứng theo quy định mà lý do tạm đình chỉ hành nghề công chứng vẫn còn;
(6) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hoạt động hành nghề công chứng mà còn tiếp tục vi phạm; bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên đến lần thứ hai mà còn tiếp tục vi phạm hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc;
(7) Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
(8) Thuộc các trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên theo quy định tại thời điểm được bổ nhiệm.