15:43 - 09/11/2024

Bỏ rác thải sinh hoạt tại các nắp cống thoát nước bị phạt bao nhiêu tiền?

Bỏ rác thải sinh hoạt tại các nắp cống thoát nước bị phạt bao nhiêu tiền? Yêu cầu về quản lý chất thải sinh hoạt được quy định như thế nào? Các hành vi nào bị cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường? Thời gian gần đây mưa lớn nên các tuyến đường trong thành phố bị ngập nặng. Tôi thấy người dân thường xuyên bỏ rác ở các nắp cống, điều này dẫn đến nước không thoát được dẫn đến tình trạng ngập nặng. Ban biên tập cho tôi hỏi, bỏ rác thải sinh hoạt tại các nắp cống thoát nước bị phạt bao nhiêu tiền? Yêu cầu về quản lý chất thải sinh hoạt được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    1. Bỏ rác thải sinh hoạt tại các nắp cống thoát nước bị phạt bao nhiêu tiền?

    Tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường như sau:

    2. Hành vi thu gom, thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

    a) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

    b) Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

    c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;

    d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.

    Ngoài ra, tại Điểm a Khoản 7 Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định như sau:

    7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

    a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra đối với trường hợp vi phạm tại điểm c, d khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này;

    Như vậy, cá nhân có hành vi bỏ rác thải sinh hoạt tại các nắp cống thoát nước sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, đồng thời bắt buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm gây ra.

    2. Yêu cầu về quản lý chất thải sinh hoạt được quy định như thế nào?

    Tại Khoản 1 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về yêu cầu về quản lý chất thải sinh hoạt như sau:

    1. Yêu cầu chung về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường được quy định như sau:

    a) Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy;

    b) Chủ nguồn thải chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp để xử lý;

    c) Chủ nguồn thải chất thải công nghiệp phải kiểm soát có trách nhiệm phân định chất thải là chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường thông qua hoạt động lấy, phân tích mẫu do cơ sở có chức năng, đủ năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật. Chất thải công nghiệp sau khi phân định phải được quản lý theo quy định của pháp luật;

    d) Chất thải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sản phẩm, hàng hóa và được phép sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất;

    đ) Tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý có trách nhiệm vận chuyển chất thải đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân vận chuyển khác để vận chuyển đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp;

    e) Việc quản lý chất thải phóng xạ được thực hiện theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

    Theo đó, yêu cầu về quản lý chất thải sinh hoạt được pháp luật quy định như đã nêu trên.

    3. Các hành vi nào bị cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường?

    Tại Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường như sau:

    1. Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

    2. Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường.

    3. Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.

    4. Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.

    5. Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

    6. Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.

    7. Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế.

    8. Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    9. Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường.

    10. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

    11. Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên.

    13. Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.

    14. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

    Trên đây là các hành vi bị cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

    Trân trọng!

    5