Ai được xem là cán bộ theo quy định pháp luật?
Nội dung chính
Khoản 1 Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định theo đó, cán bộ cần có những đặc điểm sau:
- Phải là công dân Việt Nam. Khoản 1 Điều 17 Hiến pháp 2013 quy định “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch, mọi thành viên của các dân tộc đều bình đẳng về quyền có quốc tịch Việt Nam. Như vậy, điều kiện đầu tiên để có thể trở thành cán bộ là người đó phải là công dân có quốc tịch Việt Nam. Điều này có ý nghĩa quan trọng đến vấn đề an ninh, quốc phòng bởi lẽ bộ máy nhà nước của một quốc gia là cơ quan đầu não, thay mặt nhân dân thực thi quyền lực nhà nước quyết định những vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của một nước.
- Được hình thành thông qua con đường bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, do đó mà những người thay mặt nhân dân quản lí nhà nước ngoài việc đáp ứng đủ những điều kiện luật định về độ tuổi cũng như năng lực còn phải là những người được nhân dân tin tưởng lựa chọn thông qua bầu cử. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản trong quản lí hành chính nhà nước - nhân dân lao động tham gia vào quản lí hành chính nhà nước. Phê chuẩn được hình thành trong trường hợp cơ quan tổ chức có thẩm quyền chấp nhận giao cho công dân giữ một chức vụ, chức danh nhất định theo quyết định của một cơ quan, tổ chức xã hội. Bổ nhiệm là việc cán bộ, công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lí hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật. Việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ theo nhiệm kỳ trong cơ quan nhà nước được thực hiện theo Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội...
- Làm việc theo nhiệm kì, nằm trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Pháp luật có quy định cán bộ trong các cơ quan tổ chức nhà nước làm việc theo nhiệm kì và được nằm trong biên chế nhà nước – biên chế trong các cơ quan nhà nước là số người làm việc trong cơ quan để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và làm kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm. Do cán bộ làm việc cho các tổ chức, cơ quan nhà nước, cống hiến toàn bộ thời gian làm việc của mình để phục vụ lợi ích của nhà nước vì thế nhà nước phải chịu trách nhiệm về vấn đề lương bổng đối với họ.
Ví dụ: Chủ tịch nước là công dân Việt Nam, được bầu trong số các đại biểu Quốc hội, hoạt động theo nhiệm kì của Quốc hội – 5 năm, hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là công dân Việt Nam, do Hội đồng nhân dân cấp huyện bầu ra và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn; giữ chức vụ là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và làm việc theo nhiệm kì là 5 năm, hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
* Cán bộ cấp xã: Là công dân Việt Nam được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kì trong Thường trực HĐND, UBND, Bí thư, phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội. Như vậy, cán bộ nhà nước cấp xã là những người giữ chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch UBND. Cán bộ cấp xã được hình thành thông qua hình thức duy nhất là bầu cử. Chính vì vậy mà pháp luật cán bộ cấp xã hình thành một nhóm riêng. Chế độ, chính sách với họ cũng có nhưng quy định đặc thì. Giữ chức vụ theo nhiệm kì quy định tại khoản 2 Điều 61.
Trên đây là quy định về cán bộ theo pháp luật Việt Nam. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật cán bộ, công chức 2008 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!