Cập nhật tiến độ dự án cầu Ngọc Hồi ở Hà Nội
Nội dung chính
Cập nhật tiến độ dự án cầu Ngọc Hồi ở Hà Nội
Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, trong đó có cầu Ngọc Hồi, là một công trình quan trọng kết nối hạ tầng phía Nam Thủ đô.
Cầu Ngọc Hồi dự kiến sẽ được khởi công vào dịp 2/9/2025, sau khi hai cây cầu khác là Tứ Liên và Trần Hưng Đạo lần lượt được khởi công vào các ngày 19/5 và 19/8.
Ngoài ra, trong năm 2025 Hà Nội dự kiến khởi công tuyến metro số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) và tuyến metro số 5 (Văn Cao – Hòa Lạc).
Đây là hai trong số các dự án trọng điểm thuộc quy hoạch 14 tuyến metro của Thủ đô, được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024.
Việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, đặc biệt là các tuyến metro và cầu vượt sông được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết các vấn đề về ùn tắc, ô nhiễm môi trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với tiến độ chuẩn bị tích cực, cầu Ngọc Hồi cùng các công trình giao thông trọng điểm sẽ góp phần tạo ra bước chuyển lớn trong phát triển đô thị Hà Nội giai đoạn tới.
Cập nhật tiến độ dự án cầu Ngọc Hồi ở Hà Nội (Hình từ Internet)
Tổng quan dự án cầu Ngọc Hồi
Cầu Ngọc Hồi ở Hà Nội là một trong những dự án giao thông trọng điểm dự kiến được khởi công vào 2/9/2025.
Dự án cầu Ngọc Hồi có vai trò kết nối khu vực phía Nam Thủ đô với phía Đông Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hưng Yên giúp giải quyết áp lực giao thông hiện tại và tạo động lực phát triển đô thị và bất động sản khu vực.
Cầu Ngọc Hồi nằm trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) và xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội), giáp ranh thị trấn Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).
Dự án có tổng chiều dài khoảng 7,5km, trong đó phần cầu chính và cầu dẫn dài khoảng 7,2km, rộng 33m. Đoạn đường đầu cầu phía Hưng Yên dài 300m, rộng 60m.
Cầu được thiết kế với 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp, tốc độ tối đa lên tới 80 km/h, với tổng mức đầu tư dự kiến 11.770 tỷ đồng.
Khi hoàn thành, cầu Ngọc Hồi sẽ góp phần giảm tải cho cầu Thanh Trì, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ Hưng Yên và khu vực phía Đông vào nội đô Hà Nội – chỉ còn khoảng 20 phút trong giờ cao điểm.
Cùng với hàng loạt dự án như đường vành đai 3, 4, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và tuyến metro số 8, cầu Ngọc Hồi được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo đô thị phía Nam và Đông Hà Nội trong tương lai gần.
Điều kiện để khởi công xây dựng công trình ở Hà Nội là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 39 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, điều kiện để khởi công xây dựng công trình được quy định như sau
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng
[...]
39. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 107 như sau:
1. Việc khởi công xây dựng công trình phải bảo đảm các điều kiện sau:a) Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng;
b) Có giấy phép xây dựng đối với công trình phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 của Luật này;
c) Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt;
d) Chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện các hoạt động xây dựng liên quan đến công trình được khởi công theo quy định của phập luật;
đ) Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng;
e) Chủ đầu tư đã gửi thông báo về ngày khởi công xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trước thời điểm khởi công xây dựng ít nhất là 03 ngày làm việc.
[...]
Như vậy việc khởi công xây dựng công trình ở Hà Nội phải có mặt bằng xây dựng được bàn giao; có giấy phép xây dựng nếu thuộc diện phải xin phép; có thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt; chủ đầu tư đã ký hợp đồng với nhà thầu;
Bên cạnh đó, phải có biện pháp bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công; và chủ đầu tư phải thông báo ngày khởi công đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng địa phương ít nhất 3 ngày làm việc trước khi khởi công.