Văn khấn cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp?
Nội dung chính
Văn khấn cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Mẫu văn khấn cúng ông Táo 2025 số 1:
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ chúng con là... ngụ tại...
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương, tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật. Cúi xin tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Mẫu văn khấn ông Táo số 2:
Kính lạy Thượng đế
Kính lạy Ngũ đế, Đông phương Thanh đế, Nam phương Xích đế, Tây phương Bạch đế, Bắc phương Hắc đế, Trung ương Hoàng đế.
Kính lạy Thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng, Trung đàm thần tướng thiên thiên binh, Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã.
Kính lạy Sơn thần, Long thần, Thổ địa, Thổ công, Táo quân, Thổ kỳ lai sàng chứng giám.
Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp là ngày thần Táo quân về trời tấu sớ. Tín chủ con tên là... sinh ngày... tháng... năm... nguyên quán... địa chỉ thường trú...
Với tấm lòng thành kính, con xin có chút lễ vật, nhang đăng thỉnh cầu kính mời Thượng đế, Ngũ đế, các vị Thần tướng, Thiên tướng, Thiên binh, Thiên mã cùng chư vị thần tiên trên trời dưới đất, chứng giám cho con được làm lễ tiễn thần Thổ công Táo quân về trời.
Kính lạy Thổ thần Thổ địa, Thổ công Táo quân, Thổ kỳ lai sàng chứng giám. Trong năm qua, nhờ ân phúc của các ngài, chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, mọi điều may mắn. Nay con làm lễ với tấm lòng thành kính tiễn ngài về trời tấu xin Thượng đế, Ngũ đế cùng chư vị thần tiên phù hộ độ trì cho đất nước con, quê hương con, gia tộc và gia đình con được mạnh khoẻ hạnh phúc, an khang thịnh vượng.
Con cầu xin Thượng đế, Ngũ đế các vị thần tiên cùng chư ngài chứng giám cho tấm lòng thành kính của con. Kính chúc Thượng đế, Ngũ đế, các vị thần tiên cùng chư ngài thiên thiên tuế!
Con xin đa tạ!
Con xin đa tạ!
Con xin đa tạ!
Văn khấn cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp? (Hình từ Internet)
Mâm cúng ông Táo năm 2025
Mâm cúng ông Táo thường có một số món ăn truyền thống đặc trưng, tùy thuộc vào từng gia đình và phong tục vùng miền, một số món trong mâm cúng ông Táo như sau:
Cá chép: Theo truyền thống, cá chép sống hoặc tạo hình từ bánh bao/thạch rau câu thường được dùng để tiễn Táo quân về trời. Việc thay thế cá chép sống bằng hình thức tạo hình từ bánh bao hoặc thạch rau câu không chỉ tránh sát sinh mà còn giúp bảo vệ môi trường.
Xôi: Món xôi gấc đỏ tự nhiên, mềm dẻo, là biểu tượng của sự may mắn và thịnh vượng trong năm mới. Để có xôi gấc đẹp, cần ngâm gạo đủ thời gian, chọn gấc nếp chất lượng và đồ xôi hai lần lửa để xôi dẻo và màu sắc tươi sáng.
Gà luộc: Gà luộc là món ăn không thể thiếu trong mâm cúng ông Công ông Táo. Chọn gà trống, luộc cẩn thận để da không bị rách, thịt ngọt và đẹp mắt. Gà luộc có thể được bày nguyên con hoặc chặt ra thành từng đĩa tùy theo số lượng người trong gia đình.
Canh măng: Canh măng thường được nấu từ măng lưỡi lợn, có thể thêm móng giò, thịt bò hoặc sườn để tạo độ ngọt tự nhiên. Món canh măng có hương vị đặc trưng, giòn ngon, thanh mát, rất phù hợp cho mâm cúng.
Nem rán: Nem rán, với nhân tôm, thịt, mộc nhĩ và rau củ, là món ăn thể hiện sự đoàn kết, hòa hợp của gia đình. Để nem giòn và vàng đều, cần gói nem vừa phải, chiên 2 lần lửa và đảm bảo nguyên liệu khô ráo.
Hành muối: Dưa hành muối không chỉ có tác dụng kích thích tiêu hóa mà còn là món ăn đặc trưng của văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Bí quyết để hành muối giòn và trắng là ngâm hành vào nước vo gạo hoặc tro bếp trước khi muối.
Những điều kiêng kị không nên làm trong ngày cúng ông Táo?
Lễ cúng ông Táo là một phong tục truyền thống quan trọng trong văn hóa dân gian của người Việt, và có nhiều kiêng kỵ cần lưu ý để lễ cúng diễn ra suôn sẻ và đúng ý nghĩa. Dưới đây là một số điều kiêng kỵ phổ biến:
(1) Tránh cúng quá sớm hay quá muộn:
Không nên cúng ông Táo trước ngày 20 tháng Chạp, vì các ngài sẽ chưa kịp lên Thiên đình.
Không nên cúng sau giờ Ngọ (11h-13h) ngày 23 tháng Chạp, vì ông Táo phải lên chầu trước thời điểm này.
(2) Kiêng một số món ăn trong mâm cúng:
Một số món như cá chép rán, thịt vịt, ngan, dê, trâu, chó, mực không nên dâng cúng vì theo quan niệm dân gian, đây là những món không phù hợp.
Các món thích hợp cho mâm cúng là mâm ngũ quả, xôi gấc, chè đậu xanh, gà luộc, giò chả, nem rán, và đồ cúng cần đảm bảo sự thanh tịnh, không sứt mẻ.
(3) Không đặt mâm lễ tùy tiện:
Mâm cúng nên được đặt ở đúng vị trí, nếu có ban thờ Táo quân ở bếp thì đặt lễ ở đó, nếu không thì đặt ở ban thờ chính của gia đình.
(4) Kiêng cúng tiền âm phủ:
Ông Táo là các thần tiên, không phải vong hồn người âm, vì vậy không nên cúng tiền âm phủ như các lễ cúng cho người đã khuất.
(5) Ném cá chép từ trên cao xuống:
Khi phóng sinh cá chép, không nên ném từ trên cao xuống vì có thể làm cá bị thương hoặc chết. Nên thả cá từ từ và nhẹ nhàng xuống nước, ở những nơi an toàn và sạch sẽ để đảm bảo ý nghĩa của hành động phóng sinh.
Lễ cúng ông Táo là dịp để gia đình thể hiện lòng thành kính với các vị thần bảo vệ gia đình và bếp núc, nên mỗi gia đình cần chú ý thực hiện đúng cách để giữ gìn phong tục truyền thống.