Nhận diện tin giả trong quảng cáo bất động sản: 4 dấu hiệu nhận biết tin giả để né bẫy lừa đảo
Nội dung chính
Trong thời đại số hóa, tin giả không còn là điều xa lạ, xuất hiện phổ biến trong nhiều lĩnh vực, và bất động sản cũng không ngoại lệ. Các nền tảng công nghệ bất động sản (proptech), nơi người mua, bán, cho thuê nhà đất dễ dàng tiếp cận thông tin, cũng trở thành mục tiêu của những thông tin sai lệch, lừa đảo.
Tin giả trong lĩnh vực bất động sản thường xuất hiện nhiều ở các giao dịch mua bán, nhưng gần đây, các tin đăng cho thuê cũng đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho những kẻ lừa đảo. Những tin đăng này được tạo ra với nhiều mục đích khác nhau, từ thu thập thông tin cá nhân của người tìm kiếm nhà đất đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để tránh rơi vào bẫy, bạn cần nắm vững các dấu hiệu nhận biết tin giả dưới đây.
Nhận diện tin giả trong quảng cáo bất động sản: 4 dấu hiệu nhận biết tin giả để né bẫy lừa đảo (Hình Internet)
Tin đăng với giá thấp hơn nhiều so với thị trường
Một trong những chiêu trò phổ biến nhất của các tin đăng giả là niêm yết mức giá thấp bất ngờ so với mặt bằng chung của thị trường. Những lý do thường được đưa ra bao gồm: bán gấp do chuyển công tác, ly hôn chia tài sản, cho con đi du học hoặc nhà đất bị ngân hàng thanh lý. Khi bị thu hút bởi mức giá “quá hời”, người mua dễ dàng liên hệ và bị dẫn dắt bởi kẻ lừa đảo, từ việc giới thiệu các bất động sản khác với giá cao hơn hoặc có thể gặp trường hợp tồi tệ hơn là bị dẫn đến những khu đất xa xôi, hẻo lánh và bị ép phải đặt cọc ngay tại chỗ.
Hãy nhớ rằng: "Của rẻ là của ôi". Nếu gặp tin đăng với giá quá rẻ và vị trí đắc địa, rất có thể đó là tin giả.
Tin đăng với giá thấp hơn nhiều so với thị trường (Hình Internet)
Thông tin trong tin đăng mập mờ, không rõ ràng
Những tin đăng với nội dung mập mờ, thiếu chi tiết hoặc có sự mâu thuẫn là một dấu hiệu rõ ràng của tin giả. Ví dụ, một tin rao bán nhà đã có sổ hồng nhưng không kèm theo hình ảnh sổ hoặc địa chỉ thực tế khác xa với mô tả trong tin. Một số trường hợp khác là tin đăng sai địa chỉ, như rao bán nhà gần mặt đường lớn nhưng thực tế lại nằm sâu trong hẻm nhỏ hoặc thậm chí ở một tỉnh, thành khác.
Sự mập mờ trong thông tin thường nhằm mục đích đánh lừa những người mua thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, hãy luôn kiểm tra kỹ càng và yêu cầu xác thực đầy đủ trước khi tiến hành giao dịch.
Thông tin trong tin đăng mập mờ, không rõ ràng (Hình Internet)
Cam kết lợi nhuận "trên trời"
Một chiêu trò khác nhắm vào các nhà đầu tư là hứa hẹn về lợi nhuận cực cao, thậm chí lên đến 40-50%/năm. Những nhà đầu tư mới vào nghề, thiếu kinh nghiệm dễ dàng bị cuốn hút bởi những lời hứa này và đầu tư vào các dự án không rõ ràng hoặc không tồn tại. Nếu thực sự có lợi nhuận cao như vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao chủ dự án không vay ngân hàng mà lại huy động vốn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ?
Khi đầu tư, hãy tập trung vào những yếu tố quan trọng như giá cả, tiện ích và môi trường sống thay vì những lời hứa hẹn lợi nhuận "trên trời" mà không có cơ sở thực tế.
Cam kết lợi nhuận "trên trời" (Hình Internet)
Yêu cầu đặt cọc trước khi xem nhà
Một chiêu lừa phổ biến khác là yêu cầu người thuê chuyển tiền đặt cọc trước khi được xem nhà. Kẻ lừa đảo thường giả mạo danh tính, đưa ra các lý do như nhà có nhiều người quan tâm để thúc ép bạn đặt cọc ngay. Sau khi nhận được tiền, chúng sẽ "biến mất", để lại bạn với sự thất vọng và mất mát.
Đừng bao giờ chuyển tiền trước khi bạn chưa được xem nhà và xác minh kỹ càng các thông tin liên quan đến chủ sở hữu, vị trí và các chi tiết khác trong tin đăng. Đặc biệt, cần cẩn trọng với những tin đăng yêu cầu bạn nhấp vào các liên kết lạ để xem thêm thông tin. Đây có thể là một chiêu trò để xâm nhập vào thiết bị của bạn và lấy cắp thông tin cá nhân, hoặc tệ hơn, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Yêu cầu đặt cọc trước khi xem nhà (Hình Internet)
Giải pháp tránh tin giả trong quảng cáo bất động sản và bảo vệ bản thân
Trong bối cảnh thị trường bất động sản ngày càng phức tạp, việc tự bảo vệ mình trước những tin đăng giả mạo là điều cần thiết. Dưới đây là một số giải pháp tránh tin giả, giúp bạn bảo vệ bản thân:
(1) Kiểm tra thông tin kỹ lưỡng
Trước khi đưa ra quyết định, hãy kiểm tra thông tin thật kỹ, bao gồm cả việc xác thực với cơ quan chức năng về sổ hồng, giấy tờ liên quan đến bất động sản.
(2) Không chuyển tiền đặt cọc trước khi xem nhà
Đây là nguyên tắc bất di bất dịch. Hãy luôn yêu cầu xem nhà trực tiếp và xác minh mọi thông tin trước khi đồng ý đặt cọc.
(3) Sử dụng các nền tảng uy tín
Khi tìm kiếm thông tin bất động sản, nên sử dụng các nền tảng uy tín, có các biện pháp kiểm duyệt tin đăng, bảo vệ người dùng.
(4) Tìm hiểu và trang bị kiến thức
Hiểu rõ về thị trường, giá cả và các thủ đoạn lừa đảo phổ biến sẽ giúp bạn tránh rơi vào bẫy của những kẻ xấu. Hãy chủ động cập nhật thông tin và cảnh giác với những chiêu trò mới.
Trong bối cảnh thông tin bất động sản đầy rẫy những tin giả, việc giữ một cái đầu tỉnh táo và luôn cảnh giác sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn và tránh xa những rủi ro không đáng có. Hi vọng những dấu hiệu nhận biết tin giả trong bài viết sẽ giúp ích cho bạn trong việc nhận diện tin giả trong quảng cáo bất động sản!