Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa

Số hiệu Không_số
Ngày ban hành 02/10/1979
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký ***
Lĩnh vực Thương mại,Sở hữu trí tuệ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

VĂN KIỆN THỎA ƯỚC MADRID

VỀ ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA
(Ban hành ngày 14.4.1891, được sửa đổi tại Brussel 14.12.1900, tại Washington 2.6.1911, tại La Hay 6.11.1925, tại London ngày 2.6.1934, tại Nice 15.6.1957 và tại Stockholm 14.7.1967, và thay đổi ngày 2.10.1979)

Điều 1. Thành lập Liên hiệp đặc biệt, nộp đơn đăng ký tại Văn phòng quốc tế, Xác định nước xuất xứ

1.       Các nước mà Thoả ước này áp dụng thành lập Liên hiệp đặc biệt về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá.

2.       Công dân của tất cả các nước thành viên có thể đạt được sự bảo hộ tại các nước khác cho nhãn hiệu của mình đối với các hàng hoá và dịch vụ, đã được đăng ký tại nước xuất xứ , bằng việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đó tại Văn phòng quốc tế về Sở hữu trí tuệ ( sau đây gọi tắt là " Văn phòng quốc tế ") được quy định tại Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (sau đây gọi là " Tổ chức") thông qua sự trung gian của Cơ quan tại nước xuất xứ.

3.       Nước được coi là nước xuất xứ là nước thành viên Liên hiệp đặc biệt mà người nộp đơn có cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh thực thụ và nghiêm túc , hoặc nếu không có các cơ sở đó trong phạm vi Liên hiệp đặc biệt thì nước thành viên của Liên hiệp đặc biệt mà người nộp đơn có chỗ ở cố định , hoặc nếu không có chỗ ở cố định trong phạm vi Liên hiệp đặc biệt mà là công dân của một nước thành viên của Liên hiệp, thì nước thành viên mà người nộp đơn là công dân .

Điều 2. Áp dụng Điều 3 của Công ước Pari " đối xử với một số người như là công dân của nước là thành viên của Liên hiệp đặc biệt".

Công dân của các nước không tham gia Liên hiệp đặc biệt , mà thoả mãn các quy định tại Điều 3 của Công ước Pari về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trên lãnh thổ của Liên hiệp đặc biệt được thành lập theo Thoả ước này, thì được hưởng sự đối xử như là công dân của nước là thành viên .

Điều 3. Nội dung của đơn đăng ký quốc tế

1.       Tất cả các đơn đăng ký quốc tế đều phải trình bày theo hình thức đã được đề ra trong Quy định; Cơ quan tại nước xuất xứ phải chứng nhận rằng các chi tiết trong đơn đăng ký đó tương ứng với các chi tiết ghi trong đăng bạ quốc gia, và phải thông báo ngày nộp đơn, ngày đăng ký cũng như số đơn, số đăng ký và cả ngày nộp đơn đăng ký quốc tế.

2.       Người nộp đơn phải chỉ ra hàng hoá hoặc dịch vụ mà theo đó nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ, và nếu có thể, thì cả nhóm hàng hoá hoặc các nhóm hàng hoá tương ứng theo phân loại hàng hoá được thiết lập theo Thoả ước Nice về phân loại quốc tế hàng hoá và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu. Nếu người nộp đơn không thực hiện việc chỉ dẫn phân loại này thì Văn phòng quốc tế sẽ thực hiện việc phân loại hàng hoá theo các nhóm sản phẩm tương ứng với phân loại hàng hoá nêu trong phân loại nêu trên. Việc chỉ dẫn các nhóm hàng hoá của người nộp đơn sẽ được Văn phòng quốc tế kiểm tra, Văn phòng quốc tế sẽ thực hiện việc kiểm tra trong sự phối hợp với Cơ quan quốc gia. Trong trường hợp có sự bất đồng ý kiến giữa Văn phòng quốc tế và Cơ quan quốc gia, thì quan điểm của Văn phòng này sẽ được ưu tiên.

3.       Nếu người nộp đơn đề nghị mầu sắc như là dấu hiệu phân biệt của nhãn hiệu, thì người đó phải:

a.       Trình bày về điều đó, và nộp cùng với đơn đăng ký thông báo chỉ rõ màu hoặc tập hợp màu có yêu cầu;

b.       Gửi kèm đơn đăng ký mẫu có mầu sắc của nhãn hiệu đó, mẫu này sẽ được gắn với thông báo do Văn phòng quốc tế thực hiện. Số lượng mẫu nhãn hiệu được ấn định bởi Quy định.

4.       Văn phòng quốc tế sẽ đăng ký ngay những nhãn hiệu nộp theo Điều 1. Ngày đăng ký sẽ là ngày nộp đơn đăng ký quốc tế tại nước xuất xứ, nếu đơn đăng ký được Văn phòng quốc tế nhận được trong vòng hai tháng kể từ ngày đó. Nếu Văn phòng quốc tế không nhận được đơn đăng ký trong thời hạn trên, thì Văn phòng sẽ đăng ký theo ngày nhận được đơn đó. Văn phòng quốc tế sẽ thông báo không chậm trễ cho Cơ quan có liên quan.Nhãn hiệu được đăng ký sẽ được công bố trên tạp chí thường kỳ do Văn phòng quốc tế phát hành, dựa vào những chi tiết trong đơn đăng ký. Trong trường hợp nhãn hiệu có chứa các yếu tố hình hoặc các chữ có dạng đặc biệt thì quy định sẽ xác định khả năng phải nộp các bản in của người nộp đơn.

5.       Nhằm mục đích công bố các nhãn hiệu đã được đăng ký cho các nước thành viên, tất cả các Cơ quan sẽ nhận được một số bản tạp chí không mất tiền và một số bản tạp chí được giảm giá , tỷ lệ với số lượng đơn vị được quy định tại Điều 16(4) của Công ước Pari về Bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp, theo những điều kiện trong quy định. Công bố này được coi là đầy đủ tại các nước thành viên và người nộp đơn không có quyền yêu cầu một hình thức công bố nào khác.

Điều 3bis "Sự hạn chế về lãnh thổ"

1.       Tất cả các nước thành viên, vào bất cứ thời điểm nào cũng có thể thông báo cho Tổng giám đốc Tổ chức ( sau đây gọi là " Tổng giám đốc") bằng văn bản về việc bảo hộ nảy sinh từ đăng ký quốc tế sẽ có hiệu lực tại lãnh thổ nước đó chỉ theo đề nghị được biểu thị của chủ nhãn hiệu.

2.       Thông báo trên không có hiệu lực trong vòng sáu tháng sau ngày Tổng giám đốc thông báo về điều đó cho các nước thành viên.

Điều 3ter. Đề nghị "được bảo hộ"

1.       Mọi đề nghị được bảo hộ nảy sinh từ đăng ký quốc tế đối với nước đã dành cho mình quyền được quy định tại Điều 3 bis phải được đề cập riêng tại đơn đăng ký được quy định tại Điều 3(1).

2.       Mọi đề nghị được bảo hộ được thực hiện tiếp theo việc đăng ký quốc tế phải được thực hiện thông qua Cơ quan của nước xuất xứ theo hình thức được quy định tại Quy chế. Văn phòng quốc tế sẽ đăng ký không chậm trễ việc mở rộng này và sẽ thông báo cho Cơ quan hoặc các Cơ quan của các nước có liên quan.Việc mở rông này cũng được công bố trên tạp chí thường kỳ do Văn phòng quốc tế phát hành.Việc mở rộng này có hiệu lực kể từ ngày được đăng ký trong đăng bạ quốc tế; việc mở rộng này sẽ mất hiệu lực nếu nhãn hiệu đăng ký quốc tế có liên quan hết hiệu lực.

Điều 4. Hiệu lực của việc đăng ký quốc tế

1.       Kể từ ngày việc đăng ký quốc tế được thực hiện tại Văn phòng quốc tế theo các quy định tại Điều 3 và 3 ter, việc bảo hộ đối với nhãn hiệu tại tất cả các nước các nước có liên quan phải được thực hiện như đối với nhãn hiệu được nộp đơn trực tiếp.Việc chỉ dẫn nhóm của các sản phẩm và dịch vụ được quy định tại Điều 3 không hạn chế các nước thành viên trong việc xác định phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu,

2.       Tất cả các nhãn hiệu là đối tượng của việc đăng ký quốc tế đều được hưởng quyền ưu tiên theo quy định tại Điều 4 Công ước Pari về Bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp mà không bị yêu cầu phải tuân thủ theo hình thức quy định tại khoản D của Điều đó.

Điều 4 bis. Nhãn hiệu đăng ký quốc tế thay thế nhãn hiệu quốc gia đăng ký trước

1.       Khi một nhãn hiệu đã được nộp đơn tại một hoặc nhiều nước thành viên lại được đăng ký bởi Văn phòng quốc tế cho cùng một người chủ hoặc người thừa kế hợp pháp của người đó , thì việc đăng ký quốc tế sẽ thay thế đăng ký quốc gia trước đó, mà không làm thiệt hại đến bất cứ quyền đã có được bởi việc đăng ký trước .

2.       Cơ quan quốc gia , khi có yêu cầu, phải thực hiện việc ghi nhận vào sổ đăng bạ việc đăng ký quốc tế.

[...]