Văn bản hợp nhất 3305/VBHN-BLĐTBXH năm 2024 hợp nhất Thông tư hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 3305/VBHN-BLĐTBXH
Ngày ban hành 25/07/2024
Ngày có hiệu lực 25/07/2024
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Văn Thanh
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3305/VBHN-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2024

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐIỀU 52 CỦA LUẬT VIỆC LÀM VÀ MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 28/2015/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT VIỆC LÀM VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2024.

Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Việc làm,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.[1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. phạm vi điều chỉnh[2]

Thông tư này hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, Nghị định số 61/2020/NĐ-CP.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Thông tư này là đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Chương II

THAM GIA VÀ ĐÓNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Điều 3. Tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP

1. Người sử dụng lao động phải lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực.

2. Trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động đều thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động có hiệu lực đầu tiên thì khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến người lao động không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động kế tiếp theo quy định của pháp luật lao động phải lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng lao động nêu trên. Hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trong trường hợp nêu trên nộp cùng với hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động.

3. Trường hợp trước ngày 01/01/2015 người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng với người lao động và đang thực hiện hợp đồng lao động này, tính đến ngày 01/01/2015 thời hạn hợp đồng lao động nêu trên còn ít nhất 03 tháng trở lên thì người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động kể từ ngày 01/01/2015 trở đi.

Điều 4. Đóng bảo hiểm thất nghiệp

1. Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định mà mức tiền lương tháng của người lao động cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức tiền lương bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2015 trở đi.

2. Trình tự, thủ tục đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

3.[3] Người lao động tại đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền có nhu cầu chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện theo quy trình tại điểm h khoản 2 Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP.

4.[4] Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thực hiện xác nhận mức đóng, thời gian đóng, thời gian gián đoạn và lý do gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Chương III

HỖ TRỢ TƯ VẤN, GIỚI THIỆU VIỆC LÀM

[...]