Văn bản hợp nhất 23/VBHN-VPQH năm 2024 hợp nhất Luật Đấu giá tài sản do Văn phòng Quốc hội ban hành

Số hiệu 23/VBHN-VPQH
Ngày ban hành 16/09/2024
Ngày có hiệu lực 16/09/2024
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Văn phòng quốc hội
Người ký Bùi Văn Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/VBHN-VPQH

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2024

 

LUẬT

ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024;

2. Luật số 37/2024/QH15 ngày 27 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Đấu giá tài sản[1].

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản[2]; giá dịch vụ đấu giá[3], chi phí đấu giá tài sản; xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại; quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản[4], Hội đồng đấu giá tài sản.

2. Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam[5] thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

3. Người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá.

4. Cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản.

Điều 3. Áp dụng Luật đấu giá tài sản và quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại các luật khác

1. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật này và quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2.[6] Việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; việc đấu giá đối với tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; việc đấu giá đối với biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 4. Tài sản đấu giá[7]

1. Tài sản mà pháp luật quy định phải đấu giá bao gồm:

a) Quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;

c) Quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;

d) Quyền sử dụng mã, số viễn thông và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo quy định của pháp luật về viễn thông;

đ) Quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp;

e) Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

g) Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;

[...]